Nhà tình nghĩa ấm lòng dân xã đảo

(PLO) - “Gia đình tui mừng lắm. Nằm trong căn nhà mới, cả đêm tui không ngủ được, cứ trằn trọc mong chờ trời sáng để đón các anh. Nói thật, nếu không có sự hỗ trợ của các anh chiến sĩ, không biết gia đình tôi biết bao giờ mới làm được căn nhà khang trang thế này” - ông Phan Văn Giáp nắm chặt tay chúng tôi thân tình nói khi nhận quyết định Nhà tình nghĩa – ngôi nhà của tình quân dân do Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trao tặng.
Vợ chồng ông Giáp nhận quà tặng của bộ đội Hải quân Lữ đoàn 167. Ảnh: Võ Minh Thắng
Vợ chồng ông Giáp nhận quà tặng của bộ đội Hải quân Lữ đoàn 167. Ảnh: Võ Minh Thắng

Cuối tháng 7/2018, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Phong Cảnh - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 2 dẫn đầu đã tổ chức trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phan Văn Giáp ở thôn 9 xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Đây là căn nhà tình nghĩa nằm trong Chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Phong Cảnh cho biết: “Căn nhà tình nghĩa này là biểu hiện của tình quân dân “như cá với nước”, là nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân trong việc chăm lo đời sống cho con liệt sĩ trên địa bàn đóng quân. Số tiền 70 triệu đồng của chúng tôi ủng hộ để cùng gia đình ông Giáp xây dựng nên căn nhà tình nghĩa, là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo gia đình chính sách, giúp gia đình ông Giáp ổn định đời sống, tiếp tục cống hiến và lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Trước đông đảo bà con thôn 9 và chính quyền địa phương, ông Phan Văn Giáp nước mắt rưng rưng không kìm được xúc động nói: “Gia đình tui mừng lắm. Nằm trong căn nhà mới, cả đêm qua tui không ngủ được, cứ trằn trọc mong chờ  trời sáng để đón các anh. Nói thật, nếu không có sự hỗ trợ của các anh chiến sĩ, không biết bao giờ gia đình tôi mới làm được căn nhà khang trang thế này”.

Góp thêm niềm vui với gia đình ông Giáp, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tàu Tên lửa 167 đã tặng 1 bếp gas, một số dụng cụ sinh hoạt. Chính quyền phía địa phương đến chúc mừng và tặng quà. 

Là một trong những thôn khó khăn của xã đảo Long Sơn, thôn 9 có hơn 90% hộ gia đình làm nghề nông. Trước khi có cầu Gò Găng và cầu Chà Và bắc qua sông Dinh, Long Sơn là một xã đảo tách biệt với phố phường, mặc dù chỉ cách TP Vũng Tàu theo đường chim bay chưa đầy chục km. Đời sống của bà con xã đảo này nói chung và thôn 9 nói riêng còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ gia đình sinh sống quanh núi Nứa.

Có thôn, đường chưa được bê tông hóa, đời sống văn hóa tinh thần còn lạc hậu, nghèo nàn. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi ngành nghề từ trồng cây điều, nhãn, sang đào đầm nuôi tôm, thả cá, song không phải gia đình nào cũng “ăn nên làm ra”. Có hộ gia đình trở nên giàu có sau 5 năm lăn lộn với lồng bè nuôi cá dưới sông Dinh, nhưng cũng có hộ gia đình “trắng tay” sau một vụ nuôi tôm do nước biển ngập mặn và ô nhiễm từ đầu nguồn.

Từ khi cầu Gò Găng và sau đó là cầu Chà Và bắc qua sông Dinh nối liền xã đảo với TP Vũng Tàu, Long Sơn bỗng chốc “lên đời”. Đặc biệt, từ ngày Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về đóng quân trên địa bàn xã đảo, hàng trăm hộ dân từ các thôn 9, 7, 6, 1, 2, 5 và người dân sống quanh núi Nứa “tách thửa” làm nhà gần đơn vị đóng quân.

Hàng trăm gia đình xây nhà mới, hàng chục hàng quán san sát kề nhau để phục vụ khách du lịch đến viếng thăm Nhà Lớn. Đời sống của bà con Long Sơn từng bước “thay da, đổi thịt”, diện mạo một thị trấn xã đảo được hình thành. Ông Đinh Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn chia sẻ: “Từ xây dựng, tu sửa đường sá, nhà cửa của người dân, đến bảo vệ an ninh thôn xóm, đều có bộ đội giúp sức”. 

Đọc thêm