Nỗ lực xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa

(PLO) - Theo kế hoạch, một nhà máy tẩy rửa đất toàn diện (công suất tối đa 40 tấn/giờ) sẽ được lắp đặt vào cuối tháng 12/2018 và khởi động thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực Sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) từ đầu tháng 1/2019. Dự án này có chi phí dự kiến 390 triệu USD, được thực hiện trong 10 năm. Theo mục tiêu của Chính phủ, từ nay đến năm 2030 sẽ làm sạch các vùng đất ô nhiễm trên toàn quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm, khảo sát khu vực nhiễm dioxin Sân bay Biên   Hòa
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm, khảo sát khu vực nhiễm dioxin Sân bay Biên Hòa

Theo khảo sát, đánh giá của Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), đối tác thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, Việt Nam có tổng cộng 28 khu vực bị nhiễm chất độc dioxin do quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh, trong đó có 3 Sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát - là các sân bay quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.

Sân bay Biên Hòa là khu vực có lượng đất nhiễm dioxin lớn nhất, được đánh giá bị ô nhiễm dioxin khoảng 500.000m3 (cụ thể, khối lượng đất nhiễm dioxin tại phía Nam Sân bay khoảng 200.000m3; phía Tây Sân bay khoảng 300.000m3). 

Năm 2012, từ nguồn tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) đã triển khai thực hiện Dự án cô lập chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa (hồ lắng dioxin), đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập trên diện tích hơn 5ha, với khối lượng ô nhiễm ước tính hơn 70.000m3 tại phía Tây Sân bay. 

Tháng 9/2017, Bộ Quốc phòng tổ chức khởi công “Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa” tập trung vào các hoạt động: Rà phá bom mìn; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; khoanh vùng chống lan tỏa chất độc dioxin; di dời doanh trại các đơn vị, công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm. Tổng giá trị của Dự án là 270 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Tháng 5/2018, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ xử lý ô nhiễm dioxin, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng Việt Nam) đã ký thỏa thuận về Dự án xử lý dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), ngày 4/9/2018, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa và thử nghiệm công nghệ có khả năng xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích. 

Trước đó, tháng 9/2015, Tập đoàn Shimizu đã bắt đầu thử nghiệm việc làm sạch một số mẫu đất bị ô nhiễm của Sân bay Biên Hòa trong phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy có thể loại bỏ đến 95% dioxin trong đất có mức ô nhiễm ở cấp độ từ thấp đến trung bình; đồng thời có thể khôi phục lại khoảng 70% đất bị ô nhiễm, đưa về trạng thái sử dụng được.

Theo kế hoạch, một nhà máy tẩy rửa đất toàn diện (công suất tối đa 40 tấn/giờ) sẽ được lắp đặt vào cuối tháng 12/2018 và khởi động thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực Sân bay Biên Hòa từ đầu tháng 1/2019. Tập đoàn Shimizu đảm nhận việc xây dựng và vận chuyển, lắp ráp, quản lý vận hành nhà máy tẩy rửa và thực nghiệm tẩy rửa tại hiện trường. Bộ Quốc phòng đảm nhận việc chuẩn bị mặt bằng, cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh và những phần việc khác. 

Đại diện Tập đoàn Shimizu cho biết: “Công nghệ rửa đất xử lý môi trường ô nhiễm dioxin” là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt, là giải pháp thay thế mang tính chủ động, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều phương án làm sạch đất nhiễm dioxin khác. Công nghệ tẩy rửa đất có hai ưu điểm chính là giảm thiểu chất thải và hiệu quả kinh tế.

Chi phí làm  sạch đất thấp hơn nhờ việc giảm khối lượng tuyệt đối đất nhiễm bẩn và đất có chứa chất ô nhiễm được cô đặc (bùn bánh), xử lý bằng phương pháp làm sạch thứ cấp. Đốt là phương pháp hiệu quả, đáng tin cậy nhất để phá hủy các chất ô nhiễm khó phân hủy như dioxin.

Việc kết hợp sử dụng công nghệ tẩy rửa đất và đốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong xử lý đất. Khối lượng đất bị ô nhiễm dioxin mà công nghệ tẩy rửa đất có thể chấp nhận và xử lý càng lớn, hiệu quả kinh tế của việc sử dụng kết hợp hai công nghệ càng cao. Công nghệ rửa đất mà Shimizu sẽ sử dụng ở Biên Hòa hiện cũng đang được thực hiện ở 14 địa điểm trong nước Nhật.

Đến nay, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức di dời doanh trại, công trình quân sự ra khỏi khu vực ô nhiễm, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình chống lan tỏa chất độc dioxin, tường rào cách ly khu vực ô nhiễm và đường vận chuyển, phục vụ “Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại Sân bay Biên Hòa”.

Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại Sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được triển khai thực hiện từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với chi phí dự kiến 390 triệu USD, được thực hiện trong thời gian 10 năm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, sáng 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã đến thăm, khảo sát Khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tham quan thực tế khu vực Sân bay bị ô nhiễm, tìm hiểu tình hình xử lý ô nhiễm, bản đồ khoanh vùng khu vực ô nhiễm.

Từ năm 2000 đến nay, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Các hoạt động hợp tác bao gồm loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt của những người mất tích và xử lý dioxin. Cuối năm 2018, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ hoàn thành dự án kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu USD giúp làm sạch đất ô nhiễm dioxin tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Đọc thêm