Dịch vụ tín dụng tiêu dùng sẽ không phải đăng ký hợp đồng theo mẫu

(PLO) - Đây là nội dung được Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 về Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu  (HĐTM),  điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC).
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo Bộ Công Thương, tại thời điểm triển khai Quyết định 35, mức độ tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong các HĐTM, ĐKGDC trong nhóm dịch vụ “Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” chưa cao. Thực tế kiểm soát thời gian qua cho thấy phần lớn các hồ sơ đăng ký lần đầu đều có các nội dung chưa phù hợp, đặc biệt là thiếu các nội dung đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa các bên. Thậm chí tính đến nay, sau 02 năm triển khai Quyết định 35, vẫn còn khoảng 40% tổ chức tín dụng, công ty tài chính chưa thực hiện thủ tục đăng ký.

Trong khi đó, mức độ tác động của các điều khoản chưa tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ NTD rất lớn do các dịch vụ ngân hàng, tín dụng nêu trên có số lượng DN và NTD tham gia giao dịch rất lớn với hơn 100 DN, hàng triệu NTD trên phạm vi cả nước và luôn có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Hơn thế nữa, cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực để giải quyết từng tranh chấp nhỏ lẻ, hệ thống Tòa án chưa sẵn sàng để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các tranh chấp thường xuyên của NTD.

Thực tế trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, số lượng tranh chấp giữa khách hàng và các tổ chức tín dụng, công ty tài chính là không nhỏ, thường có tính dây chuyền và có sức lan tỏa lớn do lặp đi lặp lại đối với nhiều khách hàng, tại nhiều tổ chức tín dụng, công ty tài chính và được truyền thông rộng rãi. Mặc dù phần lớn các tranh chấp đã được giải quyết thông qua thương lượng giữa hai bên, tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực này tại Bộ Công Thương từ năm 2015 đến nay là hơn 241 vụ.

Các tranh chấp chủ yếu liên quan tới các nội dung không rõ ràng trong HĐTM, ĐKGDC (ví dụ việc tính lãi suất và thay đổi lãi suất, việc công bố/thay đổi các loại phí và mức phí, ngân hàng thu phí nhưng không thông báo, ngân hàng không hỗ trợ điều tra khi khách hàng mất thẻ, lộ thông tin thẻ...). Thông tin nhiều vụ tranh chấp còn được truyền thông rộng rãi gây phản ứng dây chuyền trong nhân dân và gây bất lợi tới uy tín của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính.

Việc kiểm soát HĐTM, ĐKGDC đã góp phần loại bỏ các điều khoản chưa tuân thủ quy định pháp luật trong HĐTM, ĐKGDC của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, đồng thời góp phần giảm thiểu tranh chấp giữa NTD và tổ chức tín dụng, công ty tài chính, nâng cao niềm tin của NTD và uy tín của DN.

Theo Bộ Công Thương, các chi phí mà DN có thể phải đối mặt, ví dụ như chi phí chỉnh sửa, in ấn HĐTM, ĐKGDC mới sau khi có được duyệt của cơ quan có thẩm quyền... thực chất là chi phí tuân thủ quy định pháp luật (không phải là chi phí tuân thủ thủ tục hành chính) do trong HĐTM, ĐKGDC của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính còn tồn tại các nội dung chưa tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Trong trường hợp này, Nhà nước đã đóng vai trò hỗ trợ DN khắc phục các điều khoản chưa tuân thủ, góp phần giúp các tổ chức tín dụng, công ty tài chính giảm thiểu chi phí giải quyết tranh chấp có thể phát sinh.

Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP  ngày 06/2/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành, trong đó quy định loại bỏ nhóm dịch vụ “Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” ra khỏi Danh mục phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC theo Quyết định số 35, nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính. 

Đọc thêm