Việt Nam có chiến lược riêng phát triển thị trường xuất khẩu gạo

(PLO) - Sáng qua (11/10), Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo. 
Gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ
Gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ

Gạo Việt Nam có mặt ở 150 thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  cho biết, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn; góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu (XK) lương thực lớn nhất trên thế giới với lượng XK trung bình hàng năm khoảng 5-6 triệu tấn gạo.

Chất lượng gạo Việt Nam cũng đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Hiện gạo XK của Việt Nam đã đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, Trung Quốc, các nước châu Phi… gạo Việt Nam đang hướng tới các thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Việc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp SX gạo, đối với hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cầu về SX, thương mại gạo”.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh XK gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường XK gạo. Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động SX, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn SXvới thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo XK, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam. 

Sản phẩm gạo XK của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader cũng cho rằng, hoạt động SX, thương mại gạo của Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực… 

Mặc dù vậy, hoạt động XK gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Mặt hàng gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao... 

Chất lượng gạo tăng nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam, sự chuyển dịch cơ cấu tái SX nông nghiệp là một trong những nguyên nhân đưa giá trị XK gạo của Việt Nam tăng cao sau nhiều năm, và Việt Nam đang hướng đến mục tiêu, năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo XK.

Thứ trưởngcũng cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của Việt Nam liên tục tăng. Ngoài nguyên nhân nhu cầu gạo thế giới tăng còn một lý do quan trọng, chính là việc cơ cấu lại SX lúa và XK gạo theo hướng giảm gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản. Cùng với đó, công tác chuyển đổi cơ cấu giống đã có những chuyển biến tích cực, những giống lúa có chất lượng cao, đặc sản, có giá bán cao dần thay thế những giống lúa có chất lượng thấp. 

Hàng năm có khoảng 15 giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được các nhà khoa học chọn tạo và khuyến cáo SX, góp phần nâng cao tỷ lệ gieo cấy các giống lúa chất lượng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, các giống lúa thơm có nhiều triển vọng về thị trường đã được mở rộng rất mạnh về diện tích; diện tích lúa nếp cũng được tăng từ 3% lên 9-10%. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng xây dựng vùng SX lúa hàng hoá trọng điểm nhằm đảm bảo an ninh lương thực và XK, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ trong vùng SX. Sẽ phát triển hệ thống đường thủy, đường bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long để tăng kết nối tới các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ để có thể XK gạo từ miền Tây. 

Đọc thêm