'Xiết' xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp

(PLO) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đang được Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, xây dựng, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo khả năng xử lý nghiêm minh đối với vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Bộ Công Thương, chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Do đó, quy định về chế tài xử lý tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP sẽ không còn phù hợp và nhiều quy định sẽ không thể thực thi được trên thực tế, đồng thời nhiều hành vi vi phạm mới trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng có nguy cơ bị bỏ lọt do không có quy định xử phạt. 

Điều này vừa tạo ra tình trạng không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, vừa gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm trên thực tiễn, dẫn đến giảm hiệu quả quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đang có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống nhân dân như hiện nay.

So với Nghị định số 71/2014/NĐ-CP, dự thảo Nghị định sửa đổi toàn bộ nội dung Điều 36, đồng thời bổ sung chế tài xử lý đối với người tham gia bán hàng đa cấp. 

Cụ thể, Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau: Khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 quy định xử phạt đối với cá nhân người tham gia bán hàng đa cấp, với mức độ hành vi được phân bổ theo hướng tính nghiêm trọng tăng dần, mức chế tài xử lý tăng dần, thấp nhất là 01 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng. Ví dụ, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, với mức chế tài thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng. Cụ thể, khoản 5 quy định xử lý đối với các vi phạm về thủ tục không nghiêm trọng, Khoản 6 quy định xử lý đối với các vi phạm về trách nhiệm, thủ tục quan trọng, Khoản 7 quy định xử lý đối với các hành vi bị cấm.

Theo đó, phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi sau đây: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định pháp luật...

Mức phạt trên sẽ được tăng lên gấp hai lần trong trường hợp vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (tối đa 200 triệu đồng). Dự thảo cũng quy định các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

Đọc thêm