Cán bộ “du học” thời công nghệ 4.0

(PLO) - Cán bộ xuất ngoại nếu thật sự học tập, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học của nước ngoài để nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý là điều đáng mừng cho đất nước. Thế nhưng, gần đây rộ lên nhiều vụ việc cán bộ xuất ngoại gắn kèm với cụm từ “công nghệ 4.0” rất đáng ngờ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng: "Cán bộ không đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp."
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng: "Cán bộ không đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp."

Đi nhưng không thấy kết quả

Điều đáng nói là chi phí, sinh hoạt đi xuất ngoại do doanh nghiệp tài trợ “từ A đến Z”, chương trình nội dung hoạt động thì “ấm a ấm ớ”, đặc biệt là thành phần, đối tượng đi lại chẳng liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, học hành. Người xưa vẫn nói có ai cho không ai cái gì bao giờ? Hầu hết doanh nghiệp tài trợ cho những chuyến đi này đều có đầu tư khai thác đất đai ở địa phương. Cần phải gọi đúng tên và xử lý thế nào mối quan hệ xem chừng là “chấm mút” chứ không phải “4.0” này?

Năm trước, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương nổi tiếng với kỷ lục một năm có đến hơn 160 ngày làm việc ở nước ngoài. Bà Phan Thị Mỹ Thanh (cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cũng bị phát hiện khi đương chức đã đi nước ngoài trên 10 lần trong năm. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản hạn chế các đoàn đi nước ngoài nhưng năm 2016, tỉnh này có 80 đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức hoặc đài thọ.

Kết luận thanh tra xác định một số đơn vị chưa lập dự toán hoặc có lập nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự toán. Một số đoàn thanh toán chưa đúng ngày đi theo quy định. Đa số các đoàn xuất ngoại không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm của tỉnh Đồng Nai được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều hồ sơ không có bản chính của thư mời, không có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản, trong đó có cả cán bộ trực thuộc ngành dọc như công an, hải quan, thuế… Nhiều đoàn kết thúc chuyến đi, trưởng đoàn không báo cáo kết quả. Chỉ với hai đơn vị được thanh tra đã phát hiện có nhiều vi phạm. 

Những tưởng sau phát hiện của Thanh tra Chính phủ, tình trạng này sẽ giảm nhưng ngược lại, kinh nghiệm “xuất ngoại 4.0” này lại lan nhanh như dịch hạch. Sang năm 2018, việc cán bộ xuất ngoại càng phổ biến, du di hơn.

Thời sự nhất là dư luận tại tỉnh Quảng Trị đang đặt câu hỏi về việc địa phương này cử đoàn cán bộ đại biểu Quốc hội đi Nhật từ ngày 9 – 14/5/2018 để tham gia xúc tiến đầu tư. Mặc dù các nhân sự được cử đi không hề liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Đoàn cán bộ này bao gồm ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh và một số cán bộ khác là công an, bác sĩ, người thân cán bộ… bay từ Việt Nam sang Nhật và nhập cảnh tại sân bay Kansai. 

Đoàn đã tham quan nhiều nơi tại Nhật nhưng sau chuyến đi cho đến nay đã hơn ba tháng vẫn chưa có động thái xúc tiến đầu tư nào được các thành viên trong đoàn thực hiện.

Toàn bộ chi phí chuyến đi do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị tài trợ. Ông Văn Lưu, Tổng Giám đốc Công ty này xác nhận việc tài trợ là có và đoàn đã đi theo kế hoạch của tỉnh, đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý cử đi “học tập và xúc tiến đầu tư”.

Giải thích việc tài trợ cho đoàn, ông Lưu cho biết các cán bộ này không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của công ty, nhưng doanh nghiệp đã “đứng chân ở Quảng Trị nhiều năm nên sống có tình cảm”. Tình cảm này là tình cảm gì, mức độ bao nhiêu, liệu tỉnh Quảng Trị có đủ sức giải đáp hay không? Dư luận e rằng không! Có lẽ cần quan tâm làm rõ chuyến đi chăng? Dư luận lo lắng Quảng Trị mất bao nhiêu đất cho món quà “tình cảm” này.

Bao nhiêu người dân sẽ bị giải tỏa đất với giá rẻ mạt để giao cho công ty này hay không? Những chỉ tiêu kinh tế xã hội và chỉ số niềm tin của người dân với chính quyền sẽ bị suy giảm, bóp méo ra sao?

Công an nghiên cứu xây dựng hạ tầng, hưu trí học tập 4.0

Sức sáng tạo và sự ngụy ngôn của một số quan chức tha hóa cấu kết lợi ích nhóm với các doanh nghiệp cứ đi hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác không có điểm dừng. Công nghệ 4.0, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu bị cho là trở thành những tấm lá chắn an toàn, thành những mục tiêu cao đẹp che chắn cho những chuyến đi chưa rõ hiệu quả ra sao nhưng tiêu tốn không ít tiền của, dù đó là của công hay của doanh nghiệp.

Công văn dừng chuyến đi Đức của tỉnh Bình Thuận.
Công văn dừng chuyến đi Đức của tỉnh Bình Thuận.

Vừa qua dư luận báo chí đã thông tin và phê phán việc UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt cho cán bộ đi nước ngoài học tập, nghiên cứu thật tréo ngoe. Đó là chuyện ông công an học về phát triển hạ tầng ven biển, cán bộ làm thủ tục về hưu thì học tập công nghệ 4.0 tận Nhật Bản, Công hòa Liên bang (CHLB) Đức.

Trước thông tin báo chí phản ảnh, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo. Ngày 20/7, UBND tỉnh đã có báo cáo thừa nhận hàng chục cán bộ, quan chức của tỉnh đi Nhật, CHLB Đức đều do Công ty Trường Phúc Hải (trụ sở tại TP HCM) tài trợ.

Theo đó, cuối tháng 5/2018, Công ty Trường Phúc Hải đã đài thọ và tổ chức cho đoàn cán bộ hơn 10 người của Thành ủy và UBND TP Phan Thiết đi Nhật Bản “tiếp cận hạ tầng giao thông đô thị ở Nhật Bản”.

Tiếp đó, từ ngày 1 đến 15/7, nhiều giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành của tỉnh Bình Thuận cũng được Công ty Trường Phúc Hải đài thọ sang CHLB Đức “tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng ven biển”. Sau khi đoàn này về nước, sẽ có một đoàn khác cũng là các quan chức, cán bộ tỉnh Bình Thuận và cũng do công ty này đài thọ đến CHLB Đức “tiếp cận công nghệ 4.0”. Do báo chí phản ảnh, ngày 18/7, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu dừng chuyến đi CHLB Đức đợt 2. 

Việc Công ty Trường Phúc Hải bỏ tiền ra đài thọ các chuyến đi nước ngoài cho công chức tỉnh Bình Thuận gây nhiều dư luận bức xúc. Công ty này được UBND tỉnh Bình Thuận giao hơn 1,2 triệu m2 đất tại vị trí tuyệt đẹp ở TP Phan Thiết để làm dự án lấn biển Hamubay vào năm 2017 với diện tích khoảng 1.229.024m2, tổng vốn đầu tư 950 tỉ đồng.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, hiện công ty đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, thi công kè thôn Tiến Đức và đường giao thông, san lấp mặt bằng, đạt 15% khối lượng.

Mặc dù chưa bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho người dân nhưng Công ty Trường Phúc Hải đã ký hợp đồng kinh tế, giao cho Công ty Đất Biển Vàng (Đà Nẵng) treo baner, rao bán đất nền trên mạng và tổ chức hội nghị giới thiệu mở bán rầm rộ. Rõ ràng không phải tỉnh cho không, biếu không mà những chuyến đi có thể có quan hệ nhân quả với việc được cấp đất và mua bán đất trái phép của công ty này?

Đi chơi thì cứ nói thẳng đi chơi!

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thu Sơn, Bí thư Thành ủy Phan Thiết xác nhận có biết việc doanh nghiệp mời một số cán bộ ở TP Phan Thiết đi “Tiếp cận hạ tầng giao thông đô thị ở Nhật Bản “. “Đi tham quan thì nói tham quan, chứ có làm việc với cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản nào đâu mà nói học tập, tiếp cận” - ông Sơn nói.

Thông tin báo chí cũng cho biết, tính từ năm 2014 đến năm 2018, có rất nhiều cán bộ, công chức của tỉnh Bình Thuận được một số doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh này tổ chức và đài thọ đi nước ngoài. Địa bàn mà các cán bộ, quan chức tỉnh Bình Thuận “đi tham quan, học tập” thường là các nước châu Âu hoặc Mỹ. 

Ngày 9/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng gửi Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc cán bộ, công chức tỉnh Bình Thuận đi nước ngoài theo thư mời, tài trợ của doanh nghiệp.

Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo về tình hình cử, quản lý cán bộ, công chức của tỉnh đi nước ngoài từ năm 2014 đến nay và việc thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tổ chức đoàn ra, đoàn vào trong thời gian qua.

Văn bản đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác đối ngoại của địa phương theo quy định hiện hành. Cạnh đó, thường xuyên cập nhật cụ thể tình hình công tác nước ngoài của địa phương, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất biện pháp chấn chỉnh cần thiết.

Chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ trong trường hợp này quả cần thiết vì chắc chắn rằng các chuyến “du lịch 4.0” này không chỉ xảy ra ở Quảng Trị, Đồng Nai, hay Bình Thuận mà đã “lan tỏa” khắp các tỉnh, thành; nơi nào có đất, có đầu tư chắc chắn sẽ có “du lịch 4.0”. 

Vấn đề đặt ra là nếu chỉ dừng lại việc rà soát về thực trạng đi lại hợp pháp hay không, đúng nguyên tắc hay không thì chỉ là “thổi gió vào nhà trống”. Muốn xử lý được căn cơ thì phải xem xét quan hệ nhân quả, cho nhận giữa doanh nghiệp và quan chức trong các chuyến đi như thế nào. Trách nhiệm chính phải xem xét là những người đứng đầu.