Đồng Nai: Tranh cãi chuyện xe quá tải tàn phá “con đường nhà họ Hà”

(PLVN) - Gọi là “con đường nhà họ Hà” vì đây là khu đất của cụ Lang, tám hộ gia đình sinh sống trên đó đều là con cháu cụ. Con đường do cụ Lang xây đi qua khu đất nhà mình cũng khó xếp thuộc dạng nào trong sáu loại đường quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Tranh cãi xảy ra khi cụ Lang bán dải đất cuối khu đất cho người khác và xe quá tải ầm ầm lưu thông tàn phá.
“Con đường nhà họ Hà” bị xe tải cày xới
“Con đường nhà họ Hà” bị xe tải cày xới

“Đường tư” bị “hung thần” cày xới 

Sự việc xảy ra tại khu đất số 29, đường Thành Thái, tổ 4, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cả năm nay các bên tranh cãi, gia đình cụ Lang gửi đơn đi nhiều nơi, mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết.

Cụ Hà Văn Lang (93 tuổi) cho biết, khai phá, canh tác và cư ngụ tại địa chỉ trên từ trước năm 1975, được tổng cộng 13 ha đất. Sau đó để tiện việc canh tác nông nghiệp, chăm sóc ruộng vườn cây cối, cụ làm một lối đi giữa khu đất để sử dụng chung cho cả gia đình.

Con đường dài 500m chạy hết chiều dài khu đất gia đình, đổ nhựa, thời điểm xây dựng chi phí khoảng 700 triệu, có cổng sắt “nội bất xuất ngoại bất nhập” giáp mặt đường Thành Thái. “Tôi chưa bao giờ ký giấy hiến đường này để làm đường công cộng”, cụ Lang kể. 

Cuộc sống hàng chục năm yên bình, kể cả khi con cháu khôn lớn cụ tách đất ra cho mỗi người, không mâu thuẫn gì. Đến năm 2016, cụ chuyển nhượng cho một người ngoài dòng tộc 3 ha đất nông nghiệp nằm ở phía cuối dải đất. 

Cụ Lang nói: “Việc chuyển nhượng đất này tôi làm đúng Luật Đất đai. Do 3 ha đất này là đất nông nghiệp nên hai bên làm hợp đồng thỏa thuận rõ người mua phải là cá nhân và chỉ sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Gia đình tôi cam kết cho người mua đất sử dụng chung đường đi nội bộ trên để ông ấy tiện đi lại canh tác nông nghiệp và chỉ được lưu thông xe dưới 2 tấn”. 

Vẫn lời cụ Lang: “Người mua cũng cam kết nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ như chuyển sang đất làm nhà máy nhà xưởng, sẽ tạo lập con đường khác, chứ không dùng con đường nội bộ nhà chúng tôi”. 

Bất ngờ người mua đất này một thời gian sau chuyển nhượng khu đất cho người thứ ba. Trên khu đất đó mọc lên một trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Đại Lộc Phát và Công ty sản xuất – thương mại – dịch vụ TTP Vinawood sản xuất các mặt hàng đồ gỗ.

“Có thời điểm hàng trăm công nhân của hai cơ sở này đi lại ồn ào hàng ngày, nhưng chúng tôi vẫn thông cảm thiện chí không gây khó dễ gì. Và ban đầu họ cũng chỉ đi xe máy, xe đạp, vận chuyển hàng bằng xe tải nhỏ”.

Bình yên với gia tộc họ Hà chấm dứt khi từ đầu năm 2018 xuất hiện các đoàn xe vận tải chở đủ loại hàng, có xe chở đá “siêu trường siêu trọng” nặng trên 30 tấn, dài trên 30m, chạy ầm ầm vào con đường nhà họ Hà nguy cơ gây tai nạn, ồn ào tung bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bụi bặm bao trùm cả khu dân cư xung quanh, kể cả chùa Diệu Pháp nơi nuôi trẻ mồ côi. Trong đơn tố cáo, không chỉ các hộ gia đình nhà họ Hà ký, mà còn có xác nhận của các hộ trong khu vực và đại diện chùa Diệu Pháp cũng ghi ý kiến: “Quá ô nhiễm, nhưng Luật Giáo hội không cho thưa kiện”.

Cụ Lang bên con đường mình xây dựng, nay bị hai cơ sở sản xuất tàn phá
Cụ Lang bên con đường mình xây dựng, nay bị hai cơ sở sản xuất tàn phá

Ông Hà Quốc Dũng, con trai cụ Lang, than thở: “Chúng tôi chịu hết nổi vì xe quá tải chở đất đá, xe bê tông, xe chở hàng không chỉ gây bụi, còn làm rung chuyển nền nhà. Đường rộng đến 5m mà các xe quá khổ đến nỗi một xe chạy là chiếm hết lối đi. Khi các “hung thần” này xuất hiện thì xe máy, xe đạp chỉ có cách dạt vào bên đường đứng im né chờ xe qua. Nguy cơ gây tai nạn là rất lớn”.

Cụ Lăng chống gậy, tay run run chỉ ra con đường mình tự xây dựng: “Sáng, trưa, chiều tối họ chạy bất kỳ lúc nào, mỗi lần chạy qua là nhà rung rinh, không ngủ được”.

Hòa giải không thành

Cụ Lang có đơn khiếu nại gửi đến UBND TP Biên Hòa. Ngày 24/4/2018 UBND TP Biên Hòa ra Văn bản số 5007/UBND-NC chỉ đạo Công an TP Biên Hòa kiểm tra xử lý. Cán bộ xã Phước Tân mời các bên đến yêu cầu trong hạn một tháng, hai cơ sở sản xuất phải tạo lập con đường khác từ các khu nhà xưởng lưu thông ra đường Võ Nguyên Giáp, trả lại an ninh trật tự khu vực, ổn định đời sống dân cư. 

Tuy nhiên, gia tộc họ Hà chỉ yên ổn được ít ngày, hai cơ sở này lại vi phạm, tiếp tục cho các “hung thần” vào cày phá con đường. Đường bị cày nát, một lần nữa nhà họ Hà lại phải bỏ tiền đổ bê tông làm lại đường, mất hơn 300 triệu. 

Nỗi bức xúc của các hộ dâng cao khi ngày 19/3/2019, những đoàn xe “khủng” vận chuyển hàng cho hai cơ sở sản xuất trên lại tiếp tục cày phá lối đi, với hàng trăm lượt từ 6h sáng đến 19h tối. Cụ Lăng cho lập barie ở cổng, ngăn mọi loại xe quá tải, chỉ chấp nhận cho xe tải trọng dưới 2 tấn. Hai cơ sở sản xuất trên “khiếu nại” đến ấp.

Trưởng ấp Tân Cang, ông Nguyễn Văn Tính, cho rằng: “Con đường này trước đây khi cụ Lăng bán đất, có thỏa thuận chừa lại đường ngang 5m. Trong bản đồ địa chính xã cũng thể hiện có đường này.

Do cụ làm barie khiến nhà xưởng, cở sở sản xuất bên trong không đi lại được nên họ trình báo ấp. Ấp mời các bên hòa giải và lập biên bản ghi ý kiến, trong đó vận động cụ Lăng mở barie ra để đi lại”. Ông Tính nhấn mạnh: “Đây là vận động, cụ Lăng có thực hiện hay không là quyền của cụ. Ấp chỉ có nhiệm vụ hòa giải, vận động”.

Theo biên bản hòa giải lập vào ngày 21/3/2019, gia đình cụ Lăng giữ quan điểm không cho xe quá tải phá đường, gây ô nhiễm. Hai cơ sở sản xuất thì cho rằng “con đường trên đã có sẵn trên quy hoạch”, dù không chỉ ra được “quy hoạch” nào và cho rằng nếu cụ không gỡ barie thì “sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp. Thiệt hại này ông Hà Văn Lang phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Ý kiến các ban ngành thì cho rằng: “Hai bên nên tìm cách hòa giải, các doanh nghiệp nên khắc phục sửa chữa những chỗ hư hỏng”.

Cụ Lăng sau đó đã gỡ barie, vừa nhìn những đoàn xe “khủng” tàn phá con đường mình xây, vừa tiếp tục đâm đơn khiếu nại khắp nơi, đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ con đường.

Nói về sự việc, ông Vương Duy Đào, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân, cho biết: “Vụ việc này tôi chưa nhận được thông báo, tôi sẽ chuyển cho bên Tổ trật tự đô thị để xác minh thông tin”.

PLVN đã tìm đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu sự việc, tuy nhiên Chánh Văn phòng Sở cho biết con đường nêu trên không thuộc sự quản lý của Sở. PV tiếp tục tìm tới Phòng Quản lý Đô thị TP Biên Hòa và được hẹn sẽ trả lời sự việc sau. 

Sự việc nêu trên gây ra những tranh cãi về việc đây là “đường tư” hay đường công? Cụ Lăng còn tố cáo hai cơ sở sản xuất trên có nhiều vi phạm pháp luật khác.

PLVN sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến các cơ quan chức năng, các chuyên gia pháp lý về sự việc. 

Theo Luật Giao thông đường bộ, có sáu loại đường giao thông: 1. Quốc lộ (nối liền Hà Nội với trung tâm hành chính (TTHC) cấp tỉnh; nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên…”. 2. Đường tỉnh (nối TTHC tỉnh với TTHC huyện hoặc TTHC tỉnh lân cận…”. 3. Đường huyện (nối TTHC huyện với TTHC xã, cụm xã hoặc TTHC huyện lân cận…”. 4. Đường xã (nối TTHC xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng với xã”. 5. Đường đô thị (trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị). 6. Đường chuyên dùng (chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức cá nhân).

Đọc thêm