Dự án Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP HCM): Vướng khiếu nại “mỗi nhà đền bù một kiểu”

(PLVN) - Cụ bà Phạm Thị Nguyệt Ánh (SN 1949, ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM) mới đây có đơn trình bày về việc “khuất tất” trong đền bù đất của gia đình cụ. 
Cụ Ánh và con trai cho rằng việc bồi thường với gia đình mình không thỏa đáng
Cụ Ánh và con trai cho rằng việc bồi thường với gia đình mình không thỏa đáng

Theo cụ Anh, mấy năm trước, gia đình cụ thuộc vào diện giải phóng mặt bằng để giao đất làm dự án nâng cấp Quốc lộ 50 thuộc huyện Bình Chánh. Gia đình cụ chấp hành chủ trương của địa phương, nghiêm túc kê khai tài sản. Tuy nhiên, khi nhận được quyết định bồi thường, cụ nhận thấy, việc bồi thường cho cụ là không công bằng và thiếu cả diện tích đất cần phải được hưởng chính sách. 

Cụ Ánh nêu, căn cứ vào phiếu chiết tính của Ban bồi thường huyện, phần đất của cụ bị giải tỏa, bồi thường là 345m2. Theo cụ, khi tính bồi thường, gia đình cụ phải được hưởng chính sách bồi thường 100% giá trị đất với giá trên 11 triệu đồng/m2. Bởi đất của gia đình cụ đã sử dụng từ năm 1975, trên đất có nhà máy xay lúa của gia đình, đã kinh doanh hàng chục năm nay.

Thế nhưng cơ quan thẩm quyền chỉ bồi thường cho gia đình 73m2 với giá trên 11 triệu đồng/m2. Còn lại bồi thường 200m2 với giá trên 8 triệu đồng/m2, 21m2 bồi thường với giá 5,5 triệu đồng/m2, 52,3m2 không bồi thường vì cho rằng gia đình đã nhận tiền trong dự án làm cầu Ông Thìn. 

Theo cụ Ánh, việc phân chia các dạng bồi thường thành ba loại giá khác nhau như vậy đã gây thiệt hại cho gia đình trên 1,4 tỉ đồng. “Sở dĩ tôi phản ứng vì căn cứ vào các quy định, tôi phải được hưởng chính sách bồi thường thỏa đáng. Mặt khác, tình trạng đất cũng như gia đình tôi, hộ sát bên cạnh đã được giải quyết bồi thường 100% giá trị đất, với mức giá trên 11 triệu đồng. Đất tôi bị chia thành ba loại như vậy là không công bằng”, cụ bà nói. 

Cụ cho hay, từ khi nhận được quyết định bồi thường đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết. UBND huyện Bình Chánh bị cho là cũng đã nhận đơn nhưng mấy năm qua không hề mời cụ lên để trao đổi xử lý. 

“Việc bồi thường như thế nào thì tính tiếp, nhưng cái trước mắt làm tôi bức xúc là việc cơ quan chức năng nhận đơn mà không chịu trả lời. Ai đời lại bắt người dân chờ đợi mỏi mòn như vậy, trong khi chủ đầu tư thì lại hối ngày hối đêm đòi cưỡng chế. Cơ quan chức năng làm như vậy là làm khổ người dân”, cụ Ánh trình bày.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bức xúc trước cách làm của UBND huyện Bình Chánh, cụ Ánh đã lên cơ quan Thanh tra TP HCM, Ban Tiếp công dân của Văn phòng UBND TP HCM để phản ánh. Nơi đây đã tiếp nhận và có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiểm tra, giải quyết. 

Cùng với những bức xúc của mẹ, ông Trương Hoàng Phi (con cụ Ánh) cũng cho biết đang lập hồ sơ khởi kiện các quyết định bồi thường liên quan đến phần đất của mình trong dự án nâng cấp Quốc lộ 50. Ông Phi cho hay, ông may mắn hơn mẹ mình là vụ việc đã được hai lần giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, cả hai lần giải quyết đều không xác đáng.

Theo ông Phi, ông bị thu hồi 196m2 đất nhưng chỉ được bồi thường 93m2. Chưa kể, trên đất ông còn có nhà và những vật kiến trúc khác nhưng cũng không được ghi nhận một cách thấu đáo. Qua nhiều lần khiếu nại, ông yêu cầu được bồi thường tiếp 116m2 đất còn lại với đơn giá trên 11 triệu đồng/m2 và bồi thường hết phần kiến trúc trên đất.

Ngoài ra, địa phương phải bối trí nền tái định cư để gia đình ông ổn định cuộc sống. UBND huyện Bình Chánh cho rằng “việc khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý do đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2”, nên ông mới chuẩn bị thưa kiện ra tòa.

Đọc thêm