Grab và Vinasun xin tự đàm phán: Có lộ diện “khoảng tối” ?

(PLO) - Vụ Vinasun kiện Grab, bất ngờ có diễn biến mới khi hai bên bất ngờ đề nghị hòa giải. Chưa biết họ sẽ hòa giải trên tinh thần nào, nhưng dễ nhận ra Grab không muốn theo đuổi vụ kiện đến cùng vì lý lẽ về áp dụng công nghệ để kinh doanh vẫn lộ ra nhiều vấn đề.
Grab luôn biết chớp thời cơ và xây dựng hình ảnh thân thiện hơn taxi truyền thống
Grab luôn biết chớp thời cơ và xây dựng hình ảnh thân thiện hơn taxi truyền thống

Vậy sắp tới tương lai của Grab thế nào?

Theo Quyết định Số: 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ký ngày 07/ 01/ 2016 về Ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thì Công ty TNHH GrabTaxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại 5 địa bàn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Thời gian thực hiện trong 02 năm (từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2018).

Qua 2 năm hoạt động và bây giờ họ đã trở thành một đối thủ cạnh tranh với taxi truyền thống. Họ đã lộ ra những yếu điểm nào để taxi truyền thống Vinasun khởi kiện ra tòa?

Tại sao Grab trong quyết định 24 của Bộ GTVT chỉ được thí điểm ở 5 tỉnh, thành nhưng giờ lại mở ra nhiều tỉnh thành như vậy? Grab tuyển lái xe, giáo dục lái xe quy trình làm việc, chuyển tiền cho lái xe...vậy nên coi Grab là công ty vận tải, hay là công ty công nghệ?

Tổng cục Thuế xác nhận, Grab Việt Nam hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2015-2016. Tính riêng 10 tháng năm 2017, Grab đã nộp Ngân sách Nhà nước tổng cộng 142,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau ba năm hoạt động tại Việt Nam, Grab cũng đã lỗ 938 tỷ đồng, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế tiết lộ.

Câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp này là: Tại sao Grab đăng ký vốn ở VN có 20 tỷ đồng mà hiện tại đã lỗ 900 tỷ, trong khi lại khuyến mại ồ ạt, tiền đâu ra, hay cố tình thua lỗ như Coca Cola trước đây, để bóp chết DN vận tải trong nước, khi các DN trong nước chết hết, đã chiếm được thị trường thì mới tăng giá cước và toàn bộ tiền lãi sẽ được bù vào khoản lỗ hiện nay?

Hậu quả là người đi xe cũng hết cơ hội đi xe giá rẻ, vì Grab sẽ độc quyền; Nhà nước không thu được thuế, vì nếu Grab có lãi sẽ được bù các khoản lỗ hiện nay, còn các DN vận tải taxi khác thì lúc ấy đã... bán xe rồi.

Tại sao Grab luôn nhắn tin, khuyến mại đến 90%, 100% chuyến đi mà không phải xin phép Cục Quản lý cạnh tranh, trong khi taxi truyền thống tăng giảm giá theo giá xăng cũng phải được cơ quan nhà nước phê chuẩn?

Đó chính là những “điểm mờ” mà khách hàng không nhìn thấy vì khách hàng đơn thuần họ thấy dịch vụ nào rẻ, tiện nghi, thân thiện, họ sẽ lựa chọn.

Phải chăng cách làm “dịch vụ hoàn hảo”, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0 đã khiến taxi truyền thống hụt hơi và Grab có cách khôn ngoan khi báo lỗ khủng nhưng chuyện dòng chảy của đồng tiền thu lại thì không ai biết?

Đơn vi cung cấp phần mềm hay doanh nghiệp vận tải?

Hiệp hội taxi truyền thống vẫn luôn cho rằng Bộ GTVT đánh giá Grab là đơn vị “cung cấp phần mềm” đơn thuần đã tạo ra “kẽ hở” cho Grab được hưởng thuế suất VAT bằng 0%, trong khi taxi truyền thống phải chịu thuế suất 10%.

Chính sự quản lý không chặt chẽ đó đã dẫn đến việc thất thu thuế, mà theo Hiệp hội, nó xuất hiện từ việc chương trình thí điểm tạo ra một loạt các “Hợp tác xã giấy” để xin phù hiệu xe hợp đồng không nộp thuế.

Sự lỏng lẻo đó đã dẫn tới việc Uber nợ hơn 53 tỷ đồng tiền thuế vẫn chưa truy thu được. Phía Hiệp hội còn cho rằng, Grab đang liên tục phá giá, khuyến mại dưới giá thành dẫn đến thua lỗ kéo dài, không thu được thuế.

Tình trạng kéo dài khiến Bộ Tài chính phải đưa Grab vào trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm về thuế.

Không những thế, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng còn chỉ ra rằng, Grab đang tạo ra nhiều bất ổn, ngay chính với lái xe của họ.

“Người lái xe cho Grab không được đóng bảo hiểm, trong khi Grab liên tục tăng tỷ lệ thu từ 20%; 23% rồi đến khoảng 29% đã tạo ra rất nhiều bức xúc, đỉnh điểm đã xảy ra nhiều cuộc đình công với quy mô lớn tại Hà Nội và TPHCM của các lái xe Uber và Grab tháng 8/2017”, ông Hùng cho biết thêm.

Các lái xe của Grab hiện nay cũng đang rất bất bình và muốn thành lập một Hiệp hội tài xế lái xe công nghệ để bảo vệ chính quyền lợi của họ. Do hiện nay, mọi quyền quyết định, chính sách hỗ trợ hay phát cuốc xe đều do Grab quyết định, tài xế không có quyền, không có sự lựa chọn.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, họ luôn ủng hộ việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, bản thân các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội hiện nay cũng đã đưa ứng dụng vào hoạt động.

“Tuy nhiên, với chương trình thí điểm còn rất nhiều tồn tại như trên nhưng Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, Bộ GTVT vẫn không đưa ra được các giải pháp hiệu quả để khắc phục được những tồn tại đó”, đại diện Hiệp hội khẳng định.

Công bằng nhận xét thì từ khi có chương trình thí điểm, người dân được sử dụng dịch vụ vận tải với giá tốt hơn. Do các DN phải chuyển mình thay đổi để cạnh tranh với nhau, chưa kể đến chất lượng dịch vụ cũng sẽ được cải thiện hơn để giữ khách.

Lợi ích phải công bằng và được đến từ nhiều phía, nó không chỉ là việc giữa các DN vận tải, mà nó còn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người tiêu dùng. Vì thế, Bộ GTVT cũng nên lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để có những điều chỉnh kịp thời, đúng đắn.

Việc Grab và Vinasun xin tòa cho ngồi lại đàm phán với nhau cho thấy Grab cũng đã “lộ ra điểm yếu”, sau những tranh luận gay gắt để bảo vệ quan điểm của mình. Vậy thì “điểm yếu” đó các cơ quan quản lý phải nắm rõ để bảo vệ doanh nghiệp và cũng không cho doanh nghiệp “qua mặt” mình.

Dự thảo Nghị định “Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ”thay thế cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP cần phải thể hiện được vai trò đầu tàu, quản lý, đi đầu của nhà nước. Để khi Nghị định đi vào đời sống thực tiễn, cơ quan quản lý không phải chạy theo doanh nghiệp, công nghệ. Điều đó tránh được thất thu về thuế, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tốt cho khách hàng chọn dịch vụ.