Hà Nội: Nhiều “uẩn khúc” trong việc xử lý tài sản cầm cố

(PLO) - Việc Công an quận Cầu Giấy trả xe cho chủ phương tiện trong khi xe đó đang liên quan đến các khoản cho vay của anh Nguyễn Viết Tuấn, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc trả lại phương tiện vi phạm trên của Công an quận Cầu Giấy chưa phù hợp quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 47/2014/TT-BCA.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Phản ánh tới Báo PLVN, anh Nguyễn Viết Tuấn (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết: Ngày 30/3/2016, chị Lưu Thị Hoàng Mai (SN 1978, trú tại 1/11/8 đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội) và chị Vũ Hoài Phương (trú tại số 1B, ngõ Hoàng An, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đến nhà riêng của anh đề nghị vay 350 triệu đồng và gửi lại một chiếc xe ô tô Toyota BKS: 29A-020.65 mang tên Nguyễn Trung Kiên làm tin. Chị Mai và chị Phương nói rằng, chiếc xe ô tô trên là do các chị mua của anh Kiên, nhưng chưa sang tên đổi chủ, đồng thời hẹn ngày 29/4/2015 sẽ trả tiền. 

Ngày 10/4/2015, anh Tuấn điều khiển chiếc xe nói trên đến đường Phạm Hùng thì bị va chạm với một chiếc xe khác. Sau đó, Công an quận Cầu Giấy đã giữ xe ô tô BKS: 29A-020.65 và toàn bộ giấy tờ liên quan và cho anh Tuấn biết khi nào có kết quả giải quyết thì sẽ thông báo. Tuy nhiên, sau đó Công an quận Cầu Giấy đã trả xe cho anh Kiên (người đứng tên giấy đăng ký xe-PV) mà không thông báo cho anh Tuấn biết. 

Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với Công an quận Cầu Giấy, nhưng cơ quan này liên tục thất hẹn.  

Theo Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Trường hợp anh Tuấn đồng ý cho người khác vay 350 triệu đồng và dùng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ là cầm cố tài sản (chiếc xe Toyota màu bạc BKS 29A-020.65). Anh Tuấn chấp nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba, không phải là bên vay có thể dẫn đến rủi ro cho chính anh nếu tài sản đó là tài sản do phạm pháp mà có được hoặc thuộc trường hợp mượn rồi mang đi cầm cố. Việc anh Tuấn sử dụng chiếc xe lưu thông trên đường là đang khai thác công dụng của tài sản cầm cố. Theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự chấp thuận của bên cầm cố tài sản (theo quy định tại khoản 3 Điều 332 BLDS 2005). Nếu không được sự đồng ý của bên cầm cố hoặc có sự đồng ý, nhưng khi điều khiển giao thông anh Tuấn có lỗi gây tai nạn bị giữ xe thì anh Tuấn có nghĩa vụ bồi thường cho bên vay tài sản khi tài sản bị hư hỏng, bị thu giữ khiến không thể khai thác công dụng (theo quy định tại khoản 1 Điều 332 BLDS 2005). Trường hợp sau thời điểm tháng 01/1/2017 mới yêu cầu bồi thường thiệt hại thì áp dụng khoản 1 Điều 313 BLDS 2015 để yêu cầu bồi thường.

Về việc Công an quận Cầu Giấy trả xe cho chủ phương tiện trong khi xe đó đang liên quan đến các khoản cho vay của anh Tuấn, Luật sư Tú cho rằng, việc trả lại phương tiện vi phạm trên của Công an quận Cầu Giấy chưa phù hợp quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 47/2014/TT-BCA: “Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật”. 

Phương tiện anh Tuấn lưu thông bị tạm giữ là tài sản cầm cố bảo đảm của khoản vay 350 triệu đồng. Do đó, nếu việc trả lại phương tiện vi phạm trái luật tạo điều kiện cho người vay tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, làm thiệt hại đến bên cho vay thì có một phần trách nhiệm của Công an quận Cầu Giấy.

Công an quận Cầu Giấy không trả lời khiếu nại của anh Tuấn về quyết định trả lại phương tiện vi phạm là chưa tuân thủ quy định của Luật Khiếu nại (Điều 28 Luật Khiếu nại 2011), qua đó cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong giải quyết quyền và lợi ích của công dân. Anh Tuấn có thể khiếu nại tiếp đến Công an TP Hà Nội để giải quyết vụ việc. 

Đọc thêm