Khi nhà báo “trượt ngã” mạng xã hội

(PLO) - Dịp 21/6 năm nay, với tất cả những người làm báo, niềm vui là không trọn vẹn. Bên cạnh nỗi buồn phải đưa tin, phản ánh sự mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong hai vụ tai nạn máy bay cướp đi sinh mạng một phi công và 9 quân nhân khác còn mất tích, giới báo chí còn phải buồn bã chứng kiến một đồng nghiệp của mình bị thu hồi thẻ nhà báo bởi những phát ngôn, những thông tin xa rời chuẩn mực mà một nhà báo phải tuân thủ...
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Sáng 14/6, chiếc máy bay SU30- MK2 của Không quân Việt Nam gặp tai nạn, rơi trên biển. Trong số 2 phi công, chỉ có phi công Nguyễn Hữu Cường may mắn được cứu sống, còn Đại tá, phi công cấp 1 Trần Quang Khải vĩnh viễn ra đi, để lại niềm tiếc thương vô bờ trong lòng gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội, nhân dân cả nước.

Trước khi tìm được thi thể phi công Trần Quang Khải, Nhà nước và Quân đội đã huy động một lực lượng lớn người và phương tiện khẩn trương lên đường tìm kiếm cứu nạn trên một phạm vi lớn trên biển, với hy vọng sớm cứu hộ được phi công Trần Quang Khải cũng như tìm ra chiếc SU30-MK2 gặp nạn. Họa vô đơn chí, phi đội 9 người trên máy bay tuần thám CASA – 212 cũng không may gặp nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ, hiện chỉ mới tìm được một phần những vật liệu của máy bay và vật dụng của phi hành đoàn, chưa phát hiện ra tung tích 9 quân nhân.

Vô cảm, xúc phạm, suy diễn

Trong khi cả nước đang đau đáu chờ mong, khắc khoải kiếm tìm những người con, những quân nhân ưu tú ấy, trên cái gọi là fanpage “Diễn đàn Nhà báo trẻ” của mạng xã hội Facebook. Nhà báo Mai Phan Lợi, Trưởng Văn phòng đại diện một tờ báo tại phía Nam, nhưng đồng thời cũng là người quản trị của diễn đàn, nơi quy tụ của nhiều người tự xưng là “phóng viên, nhà báo” này, đã cho đăng tải status đặt câu hỏi “Vì sao CASA-212 tan xác”, nêu ra những giả thiết võ đoán về nguyên nhân chiếc máy bay tuần thám gặp nạn để người tham gia có thể “bình chọn”.

Dư luận sửng sốt đặt ngay một câu hỏi “Vì sao lại dùng từ “tan xác” trong trường hợp này?”. Không thể hiểu được vì sao một nhà báo lại có thể vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau, sự hy sinh lớn như thế của những người lính trong thời bình.

Từ ngữ ấy, đáng ra chỉ có thể dành cho quân thù, cho kẻ địch chứ không phải cho những người lính của chúng ta, những người đã không một chút do dự dấn bước lên đường vì nhiệm vụ. Từ ngữ ấy, không nên và tuyệt đối không thể dùng cho những cán bộ, chiến sĩ trên chiếc CASA-212 đang nóng lòng tìm kiếm, cứu hộ đồng đội. Họ gặp nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Họ đang làm nhiệm vụ với tất cả niềm vinh quang và tự hào, ý thức và trách nhiệm với đồng đội, đất nước, nhân dân. Họ đang giữ gìn sự bình an của Tổ quốc, sự toàn vẹn của lãnh thổ cho cuộc sống được bình yên. 

Là một nhà báo, tưởng như phải hiểu rõ, hiểu sâu sắc những điều ấy, nhưng thật tiếc thay, hai từ “tan xác” ông Lợi sử dụng trên fanpage đã xúc phạm không chỉ những người lính gặp nạn, mà còn xúc phạm danh dự thân nhân, gia đình những người lính, xúc phạm tình cảm đồng chí đồng đội và nhân dân cả nước, xúc phạm danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Không chỉ có như thế, trên fanpage “Diễn đàn Nhà báo trẻ”, ông Lợi còn võ đoán đưa lên những giả thuyết như “Bị bắn”, “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật”, “không loại trừ bị bắn vỡ”... để thành viên tùy ý “bình chọn”. Chưa rõ đây có phải là hành động có chủ ý xấu hay không, nhưng đầy tính dựng chuyện, tạo nên cái cớ để những đối tượng bất mãn, chống đối, những thế lực phản động thù địch lợi dụng, kích động.

“Bị bắn”? Chứng cứ nào, dấu hiệu gì và ở đâu mà có thể nêu ra câu hỏi ấy? Máy bay CASA-212 và trước đó là máy bay SU30-MK2 đều đang bay trên vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, của một nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, làm sao xảy ra chuyện “bị bắn”? Giả thiết nữa mà ông Lợi đặt ra: “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật” lại càng nguy hiểm. CASA-212 là máy bay mới, hiện đại, vừa mua sắm và đưa vào sử dụng, có hồ sơ lý lịch kỹ thuật rõ ràng đầy đủ theo các chuẩn mực quốc tế, đâu phải con cá, mớ rau để bất kỳ ai đó có thể tùy tiện suy diễn áp đặt?

Bài học đắt giá

Là một nhà báo, điều quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ vấn đề, nắm đầy đủ thông tin, phản ánh trung thực và khách quan nhất, nhưng chỉ với hành động ông Lợi đã làm trên fanpage “Diễn đàn Nhà báo trẻ”, người ta thấy rõ những sự dựng chuyện, cài đặt thông tin trên có thể làm “mồi dẫn” cho những bình luận, nhận xét, đánh giá ngược đầy tính suy diễn chủ quan, hòng hướng người đọc đến việc hiểu sai lệch sự thật và bản chất của sự kiện. 

Hôm qua (21/6/2016), nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ và gửi gắm nhiều mong muốn đối với người làm báo: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm được chân lý. Khi đã tìm được chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý... Mỗi người làm báo hãy đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, nghĩa vụ công dân với đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, nhân dân”. 

Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chủ động thông tin, bác bỏ nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội”.

Trước những việc làm như trên của ông Lợi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng thu hồi thẻ nhà báo của ông này, tòa báo nơi ông Lợi đang công tác cũng đã đình chỉ chức vụ và công việc. Đây được đánh giá là hành động quyết liệt, kịp thời, không chỉ để bảo vệ danh dự của các quân nhân gặp nạn mà còn bảo vệ uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam, bảo vệ niềm tin của nhân dân với báo chí. 

Động thái của Bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa cũng cho những người sử dụng mạng xã hội rút ra một bài học đắt giá. Dù không vi phạm trên tờ báo mình đang công tác, nhưng không phải vì như vậy mà nhà báo có thể phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội. Bất kỳ một công dân nào cũng phải tuân thủ những tiêu chí về đạo đức và luật pháp khi viết, khi nói; và đã là nhà báo thì càng phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Bất kỳ một công dân yêu nước nào cũng không bao giờ tỏ bày thái độ vô cảm trước những biến cố đau thương của đất nước như người quản trị cái gọi là trang “Diễn đàn Nhà báo trẻ”. Đây là bài học cảnh báo cho bất kỳ ai đã, đang và sẽ “quá đà”, trượt ngã vào mạng xã hội.

Đọc thêm