Lò gạch 'hun' quốc lộ 51 TP.Biên Hòa - Long Thành

(PLO) - Tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu những lò gạch thủ công đang hoạt động trong khu dân cư ngưng hoạt động từ 2 năm nay để dời đến những nơi phù hợp với quy hoạch và chuyển sang lò tuynel. Tuy nhiên, bất chấp quy định trên, nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động.
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động dọc quốc lộ 51
Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động dọc quốc lộ 51

“Thủ phạm” gây ô nhiễm khói, bụi

Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi đến xã An Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai), tại đây các lò gạch thủ công sử dụng than đá vẫn mịt mù xả khói. Những cột khói lớn, bốc mùi khét khiến một số nhà dân trong khu vực luôn trong tình trạng đóng kín cửa. Hiện, khu vực TP Biên Hòa là nơi tập trung nhiều lò gạch nung nhất với 42 lò. Trong đó, xã An Hòa 23 lò, Phước Tân 12 lò, Tam Phước 6 lò và Long Hưng 1 lò, bình quân mỗi lò gạch có khoảng 10 người làm, với mức thu nhập 250 nghìn đồng/ngày.

Bà Huỳnh Thị Tư, người dân sống tại xã An Hòa cho biết: “Theo lộ trình của tỉnh thì 23 lò gạch nung ở xã An Hòa phải dừng hoạt động trong năm nay. Nhưng đã gần hết năm vẫn chưa có lò nào có dấu hiệu dừng hoạt động. Người dân trong khu vực rất bức xúc vì việc vận chuyển đất ra vào các lò gạch bị rơi vãi, một số lò lén dùng rác công nghiệp để đốt, gây ô nhiễm mùi”.

Dọc tuyến đường quốc lộ 51 từ TP.Biên Hòa về huyện Long Thành, hai bên đường vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Các lò gạch san sát nhau nhả những cột khói lớn gây ô nhiễm cho người dân đi đường. Tuy nhiên, các chủ lò gạch đều viện lý do rằng, việc xóa bỏ lò gạch ngay sẽ khiến người lao động không có việc làm, thu nhập.

Không chỉ riêng khu vực TP Biên Hòa, tại huyện Trảng Bom, nhiều lò gạch thủ công cũng đang gây ô nhiễm bụi, khói khiến người dân bức xúc. Được biết, trên địa bàn huyện có 14 lò gạch nung nằm trong lộ trình phải dừng hoạt động và di dời trong năm 2017 và năm 2018 để bảo vệ môi trường khu dân cư, nhưng chưa có lò nào thực hiện. 

Theo ông Nguyễn Văn D., chủ một lò gạch: “Nếu không làm nghề này thì không biết làm gì để mưu sinh vì chưa có kinh phí để đầu tư công nghệ mới để sản xuất. Hiện nay, huyện có thông báo về quy hoạch cụm công nghiệp cho các lò gạch di dời đến, nhưng chưa làm xong hạ tầng cụm công nghiệp nên chưa thể di dời”.

Khó xử lý 

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Quyết định 1469 của Chính phủ buộc ngừng hoạt động với lò gạch nung đứng, lò dùng nhiên liệu hóa thạch (than đá), đồng thời chỉ khuyến khích các địa phương dừng các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Theo lộ trình của UBND tỉnh Đồng Nai, đến cuối năm 2017 có 76 lò và năm 2018 là 95 lò phải dừng hoạt động, di dời đến vị trí quy hoạch, chuyển đổi sang lò tuynel. Nhưng đến nay, các lò thủ công vẫn hoạt động.

Trao đổi với PV, các chủ lò gạch đều thừa nhận đã nắm được lộ trình phải thực hiện tháo dỡ, không được phép tiếp tục hoạt động sản xuất vì đã đến thời hạn di dời. Nhưng hầu hết họ đều đưa ra lý do không được tuyên truyền, vận động, không có lộ trình, muốn tận dụng nốt số vật liệu đất còn tồn, nung đốt hết số phôi gạch mộc còn lại... để trì hoãn.

Ông Hồ Bá Minh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa cho hay: “Hiện nay, TP Biên Hòa dùng biện pháp siết chặt về môi trường với các lò vòng. Những lò vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để hạn chế họ mở rộng sản xuất”.

Còn theo đại diện Sở Xây dựng Đồng Nai, tỉnh sẽ không cấp phép cho lò gạch nung mới mà khuyến khích các chủ lò chuyển sang sản xuất gạch không nung để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, hiện đa số người dân vẫn sử dụng gạch nung trong xây dựng, chưa có thói quen chọn gạch không nung vì giá thành đắt gấp 2-2,5 lần và còn e ngại chất lượng của loại gạch này.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã gần đến hạn của lộ trình dừng hoạt động các lò gạch thủ công nhưng dường như việc xóa bỏ lò nung thủ công của tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có dấu hiệu khả thi. Tình trạng lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường xảy ra ngang nhiên giữa khu vực đông dân cư. Người dân những khu vực này mong muốn sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng./.

Đọc thêm