Nhiều hộ dân tại Hưng Yên suốt 3 tháng sống cảnh 'người cổ xưa': Động thái “té nước theo mưa” của HTX bán điện

(PLVN) - Theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn Chí Trung và Ngọc Đà (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) về việc bị HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ - Nhà nước xã Tân Quang cắt điện suốt nhiều tháng nay, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khổ sở.
Một số hộ dân bị cắt điện ở thôn Chí Trung và Ngọc Đà xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên
Một số hộ dân bị cắt điện ở thôn Chí Trung và Ngọc Đà xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Ông Ngô Văn Mai (SN 1947, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đại diện cho các hộ dân cho biết: Để đảm bảo an toàn về điện trong thời gian cưỡng chế theo Quyết định của Chủ tịch UBND xã Tân Quang, HTX Tân Quang tạm ngừng cung cấp điện của các hộ gia đình. 

“Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, vì lý do khác nhau mà việc cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất của các hộ dân đã không tiến hành nữa, sao lại không cung cấp điện lại cho người dân, để người dân sống trong cảnh khổ cực đến như thế?”, ông Mai nói.

Theo ông Mai: “Mất điện, các doanh nghiệp không thể sản xuất, tổn thất kinh tế vô cùng lớn, rồi những hộ gia đình làm trang trại nuôi trâu bò, gà lợn, thiếu điện người dân không biết xoay sở thế nào”. 

“Người dân sống giữa thế kỉ 21 mà như người cổ xưa, không điện, không nước sinh hoạt, vật nuôi thì chết dần chết mòn. Các cháu nhỏ phải học bằng đèn dầu, mùa hè nóng nực đến 40 độ mà trong nhà không có điện thử hỏi sống làm sao?”, ông Mai nhấn mạnh. 

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Kim, Giám đốc HTX Tân Quang cho biết: Việc ngừng cung cấp điện của một số hộ dân là việc HTX Tân Quang phối hợp cùng với UBND xã Tân Quang trong việc phá dỡ các công trình sai phạm trên đất nông nghiệp theo Kế hoạch 93 và Chỉ thị 08 của UBND tỉnh Hưng Yên. 

Ông Cao Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tân Quang, cho biết: Thực hiện Kế hoạch 93 và Chỉ thị 08 của UBND tỉnh Hưng Yên trong triển khai giải tòa các công trình vi phạm, không cấp điện sinh hoạt cho các trường hợp xây dựng nhà ở, nhà tạm trên đất nông nghiệp để bán hàng ven đường… 

Khi được hỏi về việc UBND xã có hướng xử lý thế nào, có cung cấp điện lại cho các hộ dân khi việc tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế đã xong hay không? Ông Long cho biết, thực hiện Kế hoạch 93 của UBND tỉnh “cứ làm mãi mãi”. 

Luật sư (LS) Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn LS TP Hà Nội), người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân trên, thì cho rằng, theo thông báo tạm ngừng cấp điện đề ngày 17/4/2019 của HTX Tân Quang gửi tới các hộ dân có nội dung như sau: “Để đảm bảo an toàn về điện trong thời gian cưỡng chế theo Quyết định của Chủ tịch UBND xã Tân Quang, HTX Tân Quang tạm ngừng cung cấp điện của hộ gia đình…”. 

Như vậy mục đích của việc cắt điện là để đảm bảo an toàn về điện trong thời gian cưỡng chế. Theo đó, thời gian bắt đầu ngừng cấp điện và thời gian dự kiến đóng điện trở lại là từ ngày 23/4/2019 đến khi UBND xã Tân Quang hoàn thành việc cưỡng chế.

Nói về vấn đề này, theo LS Long: Thứ nhất HTX Tân Quang ngừng cấp điện cho dân là không đúng với quy định. Theo Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, Điều 7 quy định về các trường hợp bên bán điện được ngừng cấp điện. Trường hợp của các hộ dân không thuộc điều này. 

Thứ hai, HTX Tân Quang đã ngừng cấp điện cho các hộ dân trên thực tế từ ngày 23/4/2019 nhưng đến nay dù công tác cưỡng chế vì nhiều nguyên nhân mà chưa tiến hành, nhưng HTX Tân Quang lại không đóng điện trở lại cho dân để người dân đảm bảo cuộc sống hàng ngày. UBND xã Tân Quang, huyện Văn Lâm đang trong quá trình giải quyết, xem xét nguyện vọng của các hộ dân hai thôn Chí Trung và Ngọc Đà về việc giữ nguyện hiện trạng đất và xét duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

“Do vậy hiện tại không tổ chức cưỡng chế, không làm mất an toàn về điện, thì người dân có quyền được sử dụng điện bình thường theo Hợp đồng mua bán điện giữa hai bên. Nếu lý do đảm bảo an toàn về điện trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ công trình là lý do tạm ngừng hợp đồng thì hợp đồng phải được tiếp tục khi lý do tạm ngừng không còn nữa. Việc HTX chưa đóng điện lại cho dân là chưa hợp lý theo nội dung Thông báo”, LS Long nói. 

“Động thái của HTX Tân Quang trong vụ việc này theo tôi là “té nước theo mưa”, hơi quá đà, quá lố. Việc cắt điện nước sinh hoạt của người dân, khiến cho các hộ dân lâm vào tình cảnh rất khó khăn vì thiếu điện, thiếu nước cho cuộc sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh hàng ngày. Hậu quả là thiệt hại lớn về mặt kinh tế, một số hộ dân phải tạm ngưng hoạt động sản xuất, người lao động không có việc làm, không có thu nhập phải bỏ xứ đi làm ăn mưu sinh ở nơi khác. Thậm chí người bị thiệt hại có thể khởi kiện HTX Tân Quang”, một LS khác bình luận.

Trước mắt, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng đề nghị “HTX Tân Quang xem xét nguyện vọng của các hộ dân được đảm bảo nguồn điện sinh hoạt trong thời gian trước mắt, tình hình thực tế cuộc sống của các hộ dân hiện nay, sớm cung cấp điện để các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống, cho đến khi có văn bản, quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. 

Đọc thêm