Rác thải “vây” gầm đường sắt đô thị: Giải pháp nào ngăn chặn?

(PLO) - Chưa hoàn thành và đưa vào khai thác nhưng nhiều vị trí gầm cầu thuộc tuyến đường sắt trên cao đang trở thành điểm tập kết rác, phế thải. Trước thực trạng rác thải “bủa vây” gầm đường sắt đô thị, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt và mạnh tay hơn với vấn nạn này. 
Ảnh VOV
Ảnh VOV

“Điểm đen” ô nhiễm

Theo khảo sát thực tế của PV, dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, các hạng mục như: Hệ thống thang bộ, công trình phụ trợ… đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do thời gian thi công kéo dài, công tác duy trì đảm bảo vệ sinh không được chú trọng nên nhiều cá nhân thiếu ý thức đã xem đây như địa điểm lý tưởng để đổ rác, phế thải vật liệu xây dựng.

Cụ thể, tại hầu hết khu vực gần các ga như: La Thành (phố Hoàng Cầu, Đống Đa), Láng (đường Láng, Đống Đa), Yên Nghĩa (đối diện Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông)… đều có hiện tượng rác, phế thải xây dựng chất đống lớn, đống nhỏ hoặc tờ rơi, biển quảng cáo được căng, dán bừa bãi. Nhiều điểm trụ cầu tuyến đường sắt trên cao, đối diện các khu vực như: phố Phan Đình Giót (Hà Đông); Km15 thuộc tổ dân phố 17 Yên Nghĩa; Tổ dân phố số 9, phường Phú Lãm; Km14+300 QL 6, Ba La; số nhà 14 Hào Nam; số nhà 242 Nguyễn Trãi… rác, phế thải xây dựng còn đắp thành ụ lớn, tràn ra vỉa hè.

Cá biệt, tại khu vực đường Láng, đoạn cây xăng 31, địa chỉ số 111 (quận Đống Đa) ngoài tình trạng phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt “xả” bừa bãi dưới chân các trụ cầu thì ngay kế cận đó, đoạn qua phố Cầu Mới còn xuất hiện hiện tượng họp chợ cóc, chợ tạm. Tại đây, người dân bày bán la liệt đủ loại mặt hàng, từ rau củ quả, đến thịt cá, hải sản… và chúng đều được giết mổ ngay trên vỉa hè, dưới các chân cầu gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Chưa hết, trên tuyến đường Hoàng Cầu mới, đoạn từ phố Hoàng Cầu mới đi ra đường Láng hiện tồn tại hiện tượng hàng loạt trụ cầu bị khói đen bao quanh, phía bên dưới nhiều vạt cỏ bị cháy đen, trơ trọi lộ cả đất nền. Theo ghi nhận, dọc theo tuyến đường này, nhiều trụ bê tông còn bị bôi bẩn bởi tờ rơi quảng cáo, mặc dù một số đã được bóc đi nhưng lớp keo, hồ vẫn bám lại trông vô cùng phản cảm, rất nhếch nhác. 

Cần quyết liệt xử lý

Trao đổi về vấn đề rác thải, phế thải xây dựng đổ tràn lan, gây mất cảnh quan môi trường nhiều người dân địa phương nơi có dự án đường sắt trên cao đang được xây dựng cho biết, không phải bây giờ hiện tượng này mới xảy ra. Ông Nguyễn Văn Huy (phường Yên Nghĩa) chia sẻ: Trước đây, ở đoạn gần với bến xe Yên Nghĩa do không được che chắn nên tại đây ngoài rác, phế thải đổ tràn lan, thì có thời điểm tình trạng tiêm chích, tệ nạn, kim tiêm vứt la liệt. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tình trạng trên đã giảm đáng kể, nhưng gần đây tình trạng một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi dưới các trụ cầu đường sắt đô thị lại tiếp tục tái diễn.

Theo tìm hiểu, hiện chính quyền địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc xử lý tình trạng này. Nói cách khác, sự phân cấp quản lý và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Chẳng hạn, với rác thải bị đổ vào những khu đất trống của dự án đang chờ triển khai thì việc quản lý thuộc về phía chủ đầu tư. Trách nhiệm chính quyền cấp phường, xã cơ bản chỉ dừng ở mức xử lý khi bắt quả tang hành vi đổ trộm rác thải, phế thải…

Về phương hướng xử lý các hành vi vi phạm này, hoàn toàn có thể xử lý tận gốc tình trạng rác thải “bủa vây” dự án đường sắt đô thị như hiện tại nếu có sự quyết liệt của các ngành chức năng. Hành lang pháp lý liên quan hiện cơ bản đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, tại Điều 61 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.

Ngoài ra, cũng có thể căn cứ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị có mức phạt thấp nhất là từ 1 - 3 triệu đồng, mức cao từ 5 - 7 triệu đồng. Đáng chú ý, theo Nghị định155/2016/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Như vậy, hành lang pháp lý và các quy định, chế tài kèm theo về cơ bản đã có nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là phải phối hợp các lực lượng, các biện pháp để đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về xử lý, tập kết rác thải công trình đúng nơi quy định.

Rõ ràng, giải pháp ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi dưới chân đường sắt đô thị về cơ bản đã có, tình trạng này cũng có thể xử lý triệt để nếu có sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa từ các cơ quan chức năng. Thời gian tới, bên cạnh công tác chấn chỉnh, xử lý vi phạm, chính quyền địa phương nơi tồn tại các “điểm đen” về rác, phế thải cũng cần đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, để từ đó xây dựng và đảm bảo mỹ quan đô thị. 

Đọc thêm