Tân Ngọc Minh lén lút khai thác khoáng sản, dân kêu trời vì bị ô nhiễm

(PLO) -  Công ty cổ phần khoáng sản Tân Ngọc Minh (công ty Tân Ngọc Minh) được cấp phép khai thác đá Đolomit làm VLXD thông thường nhưng đã “lén lút” đưa phương tiện vào khai thác khoáng sản talc (quặng tan) và cao lanh gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân?.
Tân Ngọc Minh lén lút khai thác khoáng sản, dân kêu trời vì bị ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân tới báo Pháp luật Việt Nam tại gò Đầm, khu 2 xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, khoảng 10 ngày trở lại đây, một công trường khai thác khoáng sản (quặng cao lanh, quặng tan) hoạt động khai thác gây bất bình trong nhân dân. Phương tiện hoạt động gồm máy xúc, máy cẩu, xe ô tô trọng tải lớn hoạt động lén lút từ sáng sớm đến tối muộn.

Việc khai thác gây bụi bẩn mù mịt; tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Điều đáng nói, con đường giao thông huyết mạch trong khu bị xuống cấp; xe chạy xâm lấn cả con đường khiến người dân khó khăn trong lưu thông, nguy cơ mất an toàn giao thông hiện hữu.

Đỉnh điểm những bức bối do khai thác khoáng sản tạo ra là việc đông đảo người dân lập rào chắn để phản đối việc khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Địa điểm khai thác quặng tan và cao lanh. Ảnh: Xuân Hồng.
Địa điểm khai thác quặng tan và cao lanh. Ảnh: Xuân Hồng.
Mỏ khai thác ngay sát trường mầm non.
Mỏ khai thác ngay sát trường mầm non.

Theo quan sát của phóng viên, tại mỏ khai thác đá Đolomit của công ty Tân Ngọc Minh cho thấy, đồi núi đã và đang bị đào bới nham nhở tạo thành thùng vũng sâu hoắm hàng chục mét. Điều đáng nói, vị trí khai thác nằm sát trường mầm non của khu 2.

Hơn thế, mỏ khai thác của công ty Tân Ngọc Minh nằm lộ thiên nhưng không hề có biển báo, chỉ dẫn, cảnh báo khiến người dân khu vực nơm nớp lo sợ tai họa ập đến bất cứ lúc nào.

Theo nhiều ý kiến của người dân, công ty Tân Ngọc Minh ngoài khai thác đá Đolomit vật liệu xây dựng thông thường hiện đang “lén lút” khai thác khoáng sản quặng tan và  cao lanh quý hiếm với khối lượng lớn.

Ngày 2/7, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc xác nhận, tại khu gò Đầm hiện có công ty Tân Ngọc Minh được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác đá Đolomit từ năm 2015. Trước đây, công ty hoạt động cầm chừng, khoảng 10 ngày trở lại đây, công ty đưa máy móc, xe trở hoạt động, gây bụi bẩn, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, đường dân sinh, lưu thông của người dân bị ảnh hưởng.

“Vào ngày 1/7 và sáng 2/7, người dân đã làm rào chắn phản đối việc khai thác, vận chuyển khoáng sản của công ty. Cũng trong sáng 2/7, chính quyền xã cùng công an huyện, công an xã đã có buổi làm việc với đại diện công ty Tân Ngọc Minh, yêu cầu công ty thực hiện biện pháp tưới nước chống bụi bẩn, cường độ xe tải chở khoáng sản giảm xuống cho hợp lý, tránh gây bức xúc trong nhân dân”, ông Liêm thông tin.

Người tự xưng là quản lý công trường mỏ đứng phía bên trái trao đổi với phóng viên.
Người tự xưng là quản lý công trường mỏ đứng phía bên trái trao đổi với phóng viên.
Điểm tập kết quặng cao lanh cách mỏ 2 km. Ảnh: Xuân Hồng.
Điểm tập kết quặng cao lanh cách mỏ 2 km. Ảnh: Xuân Hồng.

Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc nhấn mạnh, Công ty Tân Ngọc Minh cần triển khai ngay các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, hạn chế tối đa những tác động xấu tới môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc quy định về tưới nước và các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng Luật Bảo vệ môi trường. Việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của công ty cần thiết có sự tham gia của người dân bản địa và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Sơn cho biết, thực tế giấy phép khai thác của công ty có đá Đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường thế nhưng công ty Tân Ngọc Minh lại khai thác quặng tan và quặng cao lanh.

“Chúng tôi chưa thể khẳng định được đó là quặng tan hay quặng cao lanh vì cần có giám định của cơ quan chức năng cao hơn!. Căn cứ trên giấy phép của tỉnh, huyện thực hiện công tác quản lý chấp hành các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản đá Đolomit”, ông Trung nói.

Có hay không việc "núp bóng" quyết định khai thác khoáng sản đá Đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường để khai thác quặng tan và cao lanh. Ảnh: Xuân Hồng.
Có hay không việc "núp bóng" quyết định khai thác khoáng sản đá Đolomit làm vật liệu xây dựng thông thường để khai thác quặng tan và cao lanh. Ảnh: Xuân Hồng.

Liên quan đến vị trí khai thác của công ty đã khai thác sát vách trường mầm non, ông Trung cho biết, công ty có kế hoạch di chuyển, xây dựng, bàn giao sử dụng điểm trường mới trước khi tiến hành hoạt động khai thác. Theo thông tin tôi nắm được, bắt đầu từ năm học mới này, các em học sinh sẽ được học tại trường mầm non mới đã được hoàn thành.

Vấn đề đặt ra, Công ty Tân Ngọc Minh có “lợi dụng” giấy phép khai thác đá Đolomit vật liệu xây dựng thông thường để “lén lút” khai thác, vận chuyển, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản quặng tan và quặng cao lanh hay không?. Vấn đề này người dân đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, làm rõ nếu có và biện pháp xử lý kịp thời. Tránh việc “chảy máu” tài nguyên quốc gia, thất thoát ngân sách của nhà nước.

Theo giấy phép số 18/GP-UBND ngày 19/6/2015 của tỉnh Phú Thọ, công ty Tân Ngọc Minh được khai thác khoáng sản đá Đolomit làm VLXD thông thường tại mỏ đá gò Đầm, khu 2, xã Thu Ngạc với diện tích 4,68 ha; trữ lượng 527.847,55m3; công suất khai thác 40.000m3/năm; thời hạn 14 năm. Trong quá trình khai thác, công ty báo cáo đúng khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn công trình theo quy định…

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm