Tiếp bài: “Hàng loạt sai phạm đất đai tại Hòa Bình”: Kiến nghị xử lý thu hồi hơn 205 tỷ đồng

(PLO) - Ngoài hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai của UBND tỉnh Hòa Bình, tại Kết luận 1304/TB-TTCP,  Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm về công tác quản lý đầu tư xây dựng, về tài chính ở nhiều gói thầu.
Trụ sở, văn phòng làm việc Tỉnh ủy Hòa Bình có  trang thiết bị và phương tiện vượt tiêu chuẩn, định mức quy định
Trụ sở, văn phòng làm việc Tỉnh ủy Hòa Bình có trang thiết bị và phương tiện vượt tiêu chuẩn, định mức quy định

Sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng

Trong giai đoạn 2004-2014, việc thực hiện quy hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình đã có những bất cập. Trong đó có dự án phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không kịp thời, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh sau khi dự án hoàn thành không đúng trình tự như ở dự án Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban đảng vi phạm quy định của pháp luật. Đối với việc phân bổ vốn đầu tư chưa tập trung dẫn đến nhiều dự án không bố trí được kế hoạch vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án. 

Đối với việc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình thì hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có dự án vừa thiết kế vừa thi công, hồ sơ không được thực hiện đúng trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, thiếu chính xác về số liệu, thông tin trên bản vẽ dẫn đến dự toán lập không đầy đủ, định mức và đơn giá, làm tăng giá trị dự toán, lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước. 

Một số dự án được phê duyệt và hoàn thành các thủ tục đấu thầu ký hợp đồng xây dựng, nhưng ngay sau khi triển khai thi công từ 6 tháng đến 1 năm đã phải điều chỉnh quy mô, hạng mục, chủng loại vật liệu cho phù hợp với yêu cầu thực tế sử dụng, làm tăng giá trị xây lắp và chậm tiến độ. 

Về công tác đấu thầu, theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình số dự án phê duyệt trong giai đoạn này là 549 dự án có 61 dự án chưa có kế hoạch đấu thầu. 

Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh Hòa Bình còn sai phạm về tài chính ở các gói thầu kiểm tra. Đơn cử, chi phí lập dự toán không đúng quy định về tính thuế giá trị gia tăng ở chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu được thanh tra không đúng quy định, định mức của Bộ Xây dựng, xây dựng đơn giá sai chênh lệch với thực tế tại thời điểm thi công, khối lượng thi công đưa vào dự toán không đúng ở một số hạng mục công trình và các công tác xây lắp sai phạm với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng. 

Cụ thể, dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị dòng sông Bôi để thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Hòa Bình  tính thuế GTGT trong một số chi phí không đúng hơn 20 tỷ đồng. Gói thầu đoạn kè KP 14 từ cọc S1070 đến cọc S1132, giá trị dự toán một số công tác lập không đúng với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Gói thầu đoạn kè KP 12, KT 14, KT 15, KT 16 giá trị dự toán một số công tác lập không đúng định mức với số tiền gần 7 tỷ đồng…

Tại dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp đường giao hai bờ sông Đà, TP Hòa Bình thì việc tính thuế GTGT trong một số chi phí không đúng lên tới gần 10 tỷ đồng. Ở giai đoạn 1, xây lắp áp dụng định mức không đúng quy định với giá trị khoảng 518 triệu đồng. Giai đoạn 2, giá trị chênh lệch tăng giữa thi công bằng thủ công và máy lập trong dự toán không đúng quy định ở một số công tác xây lắp là hơn 1 tỷ đồng. Chi phí khối lượng biện pháp thi công (thuê cọc, ép cọc, nhổ cọc…) đưa vào dự toán không đúng quy định với số tiền hơn 742 triệu đồng. 

Tiếp đó, Dự án trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng tỉnh Hòa Bình khi thẩm định giá một số công tác xây lắp không đúng dẫn đến tăng dự toán và khối lượng nghiệm thu thanh toán với số tiền trên gần 4 tỷ đồng. 

Xử lý thu hồi hơn 205 tỷ đồng tiền sai phạm

Từ những sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác đấu thầu nghiệm thu, thanh toán… Đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ về những hạn chế, khuyết điểm nói trên... tập trung ở các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế, Văn phòng UBND tỉnh; các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Thường trực UBND tỉnh.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý thu hồi tiền sai phạm ở các dự án về quản lý sử dụng đất với tổng số tiền hơn 205 tỷ đồng… Báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm 2017.

Đọc thêm