Trường Pascal (Hà Nội): Tranh chấp của người lớn, “đổ” lên đầu con trẻ?

(PLO) - Xuất phát từ tranh chấp quyền lợi của các nhà đầu tư mà hiện nay, hàng ngàn học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hàng ngày phải ra đường đi bộ mấy trăm mét để được học thể dục…
Cánh cổng phía sau trong khuôn viên của trường Pascal bị đổ cát, xếp gạch, đổ bê tông, dùng sắt hàn chặt.
Cánh cổng phía sau trong khuôn viên của trường Pascal bị đổ cát, xếp gạch, đổ bê tông, dùng sắt hàn chặt.

Năm học 2018 – 2019 của thầy trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal (Trường Pascal) tại Lô TH1, Khu đô thị mới Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu không mấy vui vẻ, khi ngay trước ngày khai giảng, khuôn viên của trường bị đổ đầy vật liệu xây dựng và trưng treo các băng rôn. Sự việc này khiến hơn 1.000 học sinh của Trường Pascal phải dự lễ khai giảng nhờ ở địa điểm khác.

Thời gian gần đây, lối đi giữa Trường Pascal và Trường TH-THCS-THPT Newton (hiện nằm tại lô TH2 cạnh đó) - vốn là lối đi để học sinh Trường Pascal sang Trường Newton sử dụng bể bơi và sân vận động, do Trường Pascal chưa xây dựng xong 2 khoản mục này – bị xếp gạch, đổ cát và nước xi măng, tạo thành một khối bê tông cao gần 1m bịt lối đi. Cánh cửa sắt cũng bị hàn buộc lại. Gần đó là một đống cát cho thấy đây là một “công trình” còn đang xây dựng dang dở.

Trước thắc mắc của phụ huynh, bà Lê Thị Bích Dung, được ủy quyền của Chủ tịch HĐQT Trường Pascal cho biết, việc lối đi sang khu thể chất bị bịt xuất phát từ tranh chấp quyền lợi giữa thành viên HĐQT Trường Pascal và bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục - TDS Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Khai Phát, đơn vị cho Trường Pascal thuê 3 nguyên đơn trên lô TH1.

Điều đáng nói, đây là lối đi đang được hàng ngàn học sinh và giáo viên Trường Pascal sử dụng hàng ngày để đi sang khu giáo dục thể chất. Lối đi này bị bịt kín khiến cho học sinh và giáo viên phải đi bộ vòng ra đường mấy trăm mét mới vào được khu học thể dục. Sự việc kéo dài nhiều ngày gây bức xúc và lo lắng đối với phụ huynh học sinh. 

Chị Ngọc Anh – một phụ huynh – cho biết: “Nhìn các con phải đi ra ngoài đường 500- 600m để sang cổng Trường Newton học thể dục, tôi thấy rất lo lắng. Dù rằng có các thầy cô đi kèm học sinh, nhưng đây là lối đi công cộng, nhiều phương tiện qua lại, các con lại đang tuổi hiếu động, rất khó biết được sẽ phát sinh rủi ro gì. Đó là chưa kể nắng mưa, trời cũng bắt đầu rét, việc này ảnh hưởng đến sức khỏe các con. Vả lại, các con đã nhận biết được việc các con phải ra ngoài đi đường vòng do người lớn bịt cổng một cách cẩu thả, đối phó. Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của cả học sinh và phụ huynh”.

Hơn nữa, dù các nhà đầu tư luôn nói rằng, phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được nghiệm thu, nhưng trên thực tế, nếu có rủi ro cháy nổ xảy ra, đây là lối cứu nạn quan trọng nhất để chữa cháy và cứu nạn, vì duy nhất chỉ có lối đi này đáp ứng đủ điều kiện kĩ thuật cho xe PCCC hoạt động. Việc chiếc cổng bị bịt kín cũng đặt ra lo ngại về PCCC cho nhà trường đang có ngàn học sinh này.

Lối đi bị bịt kín khiến cho học sinh và giáo viên phải đi bộ vòng ra đường mấy trăm mét mới vào được khu học thể dục.
Lối đi bị bịt kín khiến cho học sinh và giáo viên phải đi bộ vòng ra đường mấy trăm mét mới vào được khu học thể dục.

Được biết, tranh chấp quyền lợi của các nhà đầu tư đã khiến chính quyền sở tại và dư luận tốn nhiều công sức, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Người lớn tranh chấp đến đâu thì hãy cùng nhau giải quyết trên cơ sở pháp luật. Chúng tôi chỉ mong con cái chúng tôi có một môi trường đảm bảo an toàn để học tập, vui chơi. Phụ huynh chúng tôi không chấp nhận coi con cái chúng tôi như là con tin để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi không muốn ngày ngày lo lắng khi con có giờ thể dục, cũng không muốn sợ hãi nghĩ tới nếu hỏa hoạn thì xe cứu hỏa đi đường nào” – chị Ngọc Anh bày tỏ - “Giáo dục là ngành nghề kinh doanh có tính đặc thù, nên các chủ đầu tư phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, đảm bảo cho các cháu được yên tâm học hành. Bản thân họ đều là những người đứng đầu trường học, không thể đổ tranh chấp quyền lợi của mình lên đầu con trẻ như vậy”. 

Đọc thêm