Tự cho mình là “thượng lưu”!

(PLO) - Một nữ công nhân vệ sinh bị đánh đến ngất ở một quận trung tâm Thủ đô chỉ vì một hành động đúng mực là nhắc nhở người bán nước mía đổ rác đúng chỗ quy định.
Công nhân xí nghiệp môi trường bị hành hung vì nhắc nhở chủ hộ kinh doanh để rác đúng nơi quy định
Công nhân xí nghiệp môi trường bị hành hung vì nhắc nhở chủ hộ kinh doanh để rác đúng nơi quy định

Hành vi đánh người đáng phải nhận sự trừng phạt của pháp luật là lẽ đương nhiên, song, bản án của dư luận còn dữ dội hơn nhiều, mọi người đều phê phán dữ dội hành vi đó.

Những người giữ sạch cho thành phố là công việc rất đáng để tôn trọng. Không phải không có ý nghĩa khi người ta gọi nghề nghiệp này là “lao công”, đó là một công việc nặng nhọc, bẩn thỉu và chịu không ít ức chế do những người vô ý thức xả rác hoặc tỏ thái độ coi thường, khinh khi cái công việc “hèn mọn” đó. Cái cách mà người ta vứt bọc rác trước mặt người đẩy xe rác đã nói lên tất cả.

Tuy nhiên, những người vô ý thức với thái độ khinh khỉnh đó không phải là số đông. Trong đêm lạnh giá và mưa gió vào những ngày lễ tết, có những đoàn thiện nguyện đến với những người lao công, tặng quà và hát cho họ nghe.

Xã hội chúng ta hiện nay xuất hiện một tầng lớp tự cho mình là “thượng lưu”, có cái quyền mắng mỏ và coi khinh những người phục vụ cho mình, từ anh bảo vệ mở cửa xe đến cô nhân viên phục vụ trong hàng ăn, họ đều tìm cách mắng mỏ cho bằng được, nếu không thì tỏ một thái độ trịch thượng rất khó coi.

Việc những người phục vụ bị đánh không còn là chuyện hiếm, có ông đã vụt gậy đánh gôn vào chàng thanh niên phục vụ, có ngài quan chức sàm sỡ cô hầu bàn, khi bị phản ứng thì lớn tiếng đòi chủ quán phải sa thải cô này.

Những người giúp việc nhà cũng không được coi là một nghề nghiệp rất cần thiết nên chịu sự đối xử thiếu công bằng. Ngày quốc tế người giúp việc hầu như chẳng ai biết tới. Cũng vì thiếu chuyên nghiệp và thiếu quan tâm mà đội ngũ người giúp việc hoặc là tự ti với công việc của mình, hoặc là “làm mình, làm mẩy” để vòi vĩnh gia chủ. Ngoài thói quen sinh hoạt bê nguyên từ làng lên phố, có người còn ăn cắp từ vật dụng sinh hoạt nhỏ đến khoản tiền to của chủ. Tuy nhiên, nếu mọi người đều trọng thị nghề ấy, đối xử công bằng, xác định đúng vị trí của mình trong gia đình cũng như xã hội thì cái thói xấu đó sẽ được loại trừ dần dần. Trên thực tế, có người giúp việc trở thành người nhà của gia chủ, họ đã về quê nhưng vẫn đi lại như những người thân. Đó là nét văn hóa đẹp.

Trở lại với câu chuyện nữ sinh viên bị đánh. Cái thói quen hành xử bằng bạo lực đã quá ư phổ biến, nay cả một ông Tây chặn người phi xe máy lên vỉa hè ở quận 1 TP. HCM cũng bị dọa đánh. Tại Hà Nội, côn đồ đánh bác sỹ, bắt quỳ xin lỗi ở Bệnh viện Thể thao. Cái hành vi tốt không được người ta coi trọng. Hẳn rằng chuyện này sẽ không tái diễn bởi sự lên án của cộng đồng và sự trừng phạt của pháp luật.  

Đọc thêm