Viết tiếp bài 'nghiệt ngã vụ án bị xã đội trưởng tháo biển số xe': Quyết tạm giam người mắc trọng bệnh để làm gì?

(PLVN) - Bị tạm giam 13 ngày thì có đến hai lần nhập viện với 10 ngày điều trị, ông Đông phải khốn khổ vì bệnh hở van tim tái phát, huyết áp cao. Hết nhập viện lại bị đưa về trại, trong trại giam không có đủ thuốc, công an phải yêu cầu người thân mua thuốc gửi vào. Dù gia đình nhiều lần làm đơn bảo lãnh, xin cho người thân được tại ngoại, không hiểu tại sao cơ quan tố tụng vẫn cương quyết tạm giam người đàn ông “bệnh tật đầy người”.
Bà Huệ cho biết hiện nguyện vọng duy nhất của gia đình là được bảo lãnh ông Đông tại ngoại để điều trị
Bà Huệ cho biết hiện nguyện vọng duy nhất của gia đình là được bảo lãnh ông Đông tại ngoại để điều trị

Tạm giam 13 ngày, nằm viện hết… 10 ngày 

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, ông Phùng Thạch Đông (SN 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) sau khi có xô xát với vị xã đội trưởng xã này vì cho rằng bị tháo biển số xe trái phép, đã bị cơ quan tố tụng huyện khởi tố, bắt giam về hành vi “cố ý gây thương tích”.

Làm đơn gửi đến Báo Báo Pháp luật Việt Nam, gia đình ông Đông cho biết chưa bàn đến chuyện ông Đông có tội hay vô tội, hiện gia đình khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng cho ông Đông được tại ngoại để chữa bệnh, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng. Ba lần gia đình làm đơn xin bảo lãnh, cơ quan tố tụng huyện Bắc Bình vẫn chưa trả lời.

Trời nắng chang chang, bà Đỗ Thị Huệ (vợ ông Đông) đứng ngồi lo lắng. Mùa này Bình Thuận nắng nóng nhất năm, người bình thường ở ngoài còn mệt lả với thời tiết. Huống chi một người trọng bệnh đang bị tạm giam.

Bà Huệ cho biết sau ngày 26/4 (ngày xảy ra xô xát với vị xã đội trưởng), ông Đông bị công an huyện mời làm việc, lấy lời khai. Bà Huệ kể: “Chồng tôi bệnh tật đầy người: Tiền sử bệnh tim do cao huyết áp thiếu máu cục bộ hở hai lá 1/4; gan nhiễm mỡ; nang nhỏ thận phải; bệnh gout… Ngày 8/5, công an mời ổng ra xã. Ổng đi một mình, công an đọc lệnh bắt rồi chở đi luôn. Theo tôi biết, trên đường đi về trại giam (nằm trong trụ sở Công an huyện Bắc Bình), chồng tôi tăng huyết áp ngất xỉu. Thế là công an chở vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận cấp cứu. Họ gọi điện báo gia đình tôi vào”.

Đến khoảng 20h, thấy sức khỏe ông Đông không ổn nên bệnh viện cho chuyển viện bằng xe cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa An Phước (TP Phan Thiết). “Tại đây, tôi nuôi ổng nhưng công an canh gác 24/24h, lúc nào cũng có hai người. Mấy ngày nằm viện, huyết áp ổng đều rất cao, kêu “đầu quay quay, chóng mặt”, bà Huệ kể.

Vẫn lời bà Huệ, sáng 13/5, khi đo khám, bác sĩ cho biết huyết áp của ông Đông là 159 mmHg (tăng huyết áp giai đoạn 1 – NV). Bà Huệ cho rằng sau đó có nhiều công an đến trao đổi với bác sĩ. Bà bị đuổi ra ngoài. Bà Huệ nói: “Dù huyết áp cao như vậy nhưng sau đó vẫn phải xuất viện. Tôi có “cãi” thì bác sĩ nói do công an yêu cầu. Họ bảo tôi ký giấy tờ nhưng tôi không ký. Chồng tôi đau không đi lại được, họ cho ổng ngồi lên xe lăn, đưa ra xe về trại giam”.

Ngày 13/5, ông Đông “được xuất viện” về trại giam thì đến ngày 16/5, ông Đông lại tăng huyết áp, buộc phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận. Theo tìm hiểu, ông Đông nằm điều trị ở đây đến ngày 20/5 mới xuất viện.

Hình ảnh được gia đình cho là “đơn thuốc” cơ quan công an gửi, thông báo gia đình đưa thuốc men vào cho ông Đông
Hình ảnh được gia đình cho là “đơn thuốc” cơ quan công an gửi, thông báo gia đình đưa thuốc men vào cho ông Đông

Nguyện vọng chính đáng vấp phải sự im lặng

Như vậy, từ ngày 8/5 đến ngày 20/5, chỉ 13 ngày tạm giam, ông Đông 2 lần cấp cứu và nằm viện hết 10 ngày. Sau ngày 20/5, theo gia đình, Công an huyện Bắc Bình hai lần yêu cầu gia đình ông Đông mua thuốc theo “toa” mà công an gửi ra để chuyển cho ông Đông. 

“Theo luật, hành vi của chồng tôi không buộc phải bắt tạm giam mà có thể tại ngoại. Đại gia đình tôi có nhà cửa, tài sản, hộ khẩu tại địa phương, xin mang hết ra để bảo lãnh, cam kết ổng sẽ không bỏ trốn. Sức khỏe tính mạng con người mới là quan trọng nhất. Một người bệnh phải có thuốc mới sống. Mà thuốc thì trại giam không có đủ, nghĩa là công an huyện không có đủ phương tiện chữa trị cho ổng, mà tại sao cứ phải giam chồng tôi vậy? Sao không cho ổng tại ngoại để gia đình chạy chữa? Họ quyết giam ổng để làm gì?”, bà Huệ xót xa.

Một điều khác khiến gia đình bà Huệ khó hiểu, là dù ông Đông thuộc “biên chế” của Công an huyện Bắc Bình từ ngày 8/5, nhưng khi đưa đến bệnh viện cấp cứu điều trị thì gia đình phải trả tiền viện phí. Cụ thể, vào ngày 8/5, gia đình ông Đông phải chi trả tiền viện phí, xe cấp cứu cho Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận là gần 1,3 triệu đồng; và viện phí điều trị ở Bệnh viện đa khoa An Phước là 5,5 triệu đồng.

“Tôi nghe nói theo quy định thì tiền viện phí nêu trên phải do công an chi trả vì họ đã tạm giam ông Đông. Tiền không nhiều, không quan trọng bằng sức khoẻ của ổng, nhưng tình tiết này càng cho thấy có sự uẩn khúc mờ ám gì đó trong sự việc quyết bắt giam chồng tôi”, bà Huệ nói.

Hiện nguyện vọng duy nhất của gia đình ông Đông là được bảo lãnh ông Đông tại ngoại để điều trị. “Thiếu thuốc men, ăn uống kham khổ, vệ sinh không đảm bảo cho người bệnh thì làm sao đảm bảo sức khoẻ? Tôi lo lắm, sợ nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó, không còn người để mà xử tội chứ đừng nói gì đến chuyện xử ra sao. Chúng tôi liên tục có đơn xin bảo lãnh nhưng Công an và Viện kiểm sát huyện đều chưa trả lời”, bà Huệ nói.

Phóng viên đã liên hệ làm việc với Viện kiểm sát nhân dân huyện Bắc Bình và một số cơ quan khác để tìm hiểu sự việc. Các cơ quan này trả lời ra sao về sự việc? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới. 

Nói về việc gia đình được công an gọi lên nuôi phạm nhân và phải trả viện phí trong lần nhập viện cấp cứu từ ngày 8/5 đến ngày 13/5, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Việc làm trên là hoàn toàn trái luật. Thứ nhất, khi bị bắt tạm giam, ông Đông thuộc sự quản lý của Nhà nước. Ông Đông bệnh thì sẽ được đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Người nhà ông Đông chỉ được thăm nuôi theo quy định và có sự giám sát của cán bộ công an. Thứ hai, bà Huệ cũng là người có mặt khi xảy ra vụ án nên là nhân chứng trong vụ án. Nếu để bà Huệ nuôi như thế, ông Đông và bà Huệ có thông cung thì sao? Ông Đông xảy ra chuyện gì xấu đến sức khoẻ, tính mạng thì ai chịu trách nhiệm? Đối với tiền viện phí, ngân sách nhà nước phải chi trả trong trường hợp này vì ông Đông đã bị bắt tạm giam. Việc yêu cầu gia đình đóng viện phí là trái luật”.

Đọc thêm