Vụ phá rừng gỗ mun Phong Nha: Không khó tìm ra thủ phạm?

(PLVN) - Bởi tính chất nghiêm trọng của vụ “lâm tặc” triệt hạ rừng gỗ mun quý hiếm trong Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định lập đoàn liên ngành để điều tra. Phía lãnh đạo Ban quản lý VQG này nhận định, không khó để tìm ra thủ phạm.
Hiện trường một điểm mà “lâm tặc” triệt hạ gỗ mun trong rừng Di sản Phong Nha.
Hiện trường một điểm mà “lâm tặc” triệt hạ gỗ mun trong rừng Di sản Phong Nha.

Những ngày qua, Pháp luật Việt Nam đã liên tục thông tin về vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở khu vực biên giới Việt – Lào thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mà phóng viên đã trực tiếp thâm nhập và ghi nhận được.

Một gốc mun cổ thụ đã bị cưa hạ.
Một gốc mun cổ thụ đã bị cưa hạ.

Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc rừng nguyên sinh trong vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bị “lâm tặc” tàn phá không thương tiếc và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của lực lượng chức năng có nhiệm vụ trực tiếp giữ rừng. Trong một diễn biến khác, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang cũng đã có văn bản chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm đối với vụ việc này.

“Không khó để tìm ra thủ phạm” 

Tiếp xúc của phóng viên Pháp luật Việt Nam với người dân bản địa ở gần khu vực rừng gỗ mun bị “lâm tặc” triệt hạ, họ cho biết ngày xưa nếu muốn vào khu vực gần nhất có gỗ mun bị cưa hạ, phải mất gần nửa ngày trời vì đường đi quá hiểm trở. Còn bây giờ, nhờ có đường tuần tra biên giới đang thi công nên chỉ mất khoảng 1 giờ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục khẳng định nhận trách nhiệm trực tiếp khi để mất rừng.

“Tôi xác định rằng, với tư cách là lãnh đạo VQG – đơn vị chủ rừng, tôi sẽ chịu các hình thức kỷ luật của UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra. Tôi chỉ mong, các cơ quan có chức trách sẽ phối hợp điều tra, xử lý nghiêm túc và đưa ra ánh sáng thủ phạm phá rừng cũng như các cá nhân, tổ chức đứng đằng sau chủ mưu, tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng nếu có. Như vậy mới là thông điệp cảnh báo nghiêm khắc, đầy tính răn đe cho “lâm tặc” để giữ gìn, bảo tồn có hiệu quả nhất cho sự đa dạng sinh học, tài nguyên vô giá của Di sản thiên nhiên thế giới” – ông Tịnh bày tỏ quan điểm.

Lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng kiểm tra một điểm lâm tặc triệt ha gỗ mun. (Ảnh do kiểm lâm cung cấp).
Lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng kiểm tra một điểm lâm tặc triệt ha gỗ mun. (Ảnh do kiểm lâm cung cấp).

Theo quan điểm cá nhân ông Tịnh, việc tìm ra thủ phạm, người đứng đằng sau (nếu có) của vụ phá rừng nghiêm trọng này là không khó. “Bởi ngay cả những vụ trộm cướp tài sản, hay nghiêm trọng hơn là giết người chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn, chỉ vài người biết nhưng cuối cùng các cơ quan điều tra vẫn tìm ra manh mối để đấu tranh, triệt phá được. Còn đây là vụ phá rừng này diễn ra trong một thời gian dài với rất nhiều người tham gia” – Giám đốc Ban quản lý VQG này nhận định.

Lập đoàn liên ngành điều tra và không làm độc lập

Trong một diễn biến khác của vụ việc, ông Lê Minh Ngân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập đoàn liên ngành điều tra vụ phá rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo đó, đoàn liên ngành sẽ gồm các đơn vị của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng; các cơ quan ở huyện Bố Trạch là: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Hạt Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Gỗ mun sau khi bị cắt xẻ, cưa hạ và khai thác chỉ còn lại phần bìa gỗ nằm giữa rừng.
Gỗ mun sau khi bị cắt xẻ, cưa hạ và khai thác chỉ còn lại phần bìa gỗ nằm giữa rừng.

Một thông tin nữa từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vì khu vực rừng bị phá chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) quản lý nên lực lượng Biên phòng cũng không thể điều tra độc lập mà phải lập đoàn liên ngành để có kiểm tra chéo, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Khi đã làm rõ trách nhiệm thuộc về lực lượng nào, sẽ xử lý lực lượng ấy.

Trước đó, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tổ chức tuần tra trong các địa bàn dân cư, phát hiện trong nhà của ông Mai Văn Dinh (SN 1970, quê xã Sơn Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch có cất chứa gỗ và thông báo với Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch để phối hợp kiểm tra. Lực lượng chức năng đã thu giữ trong nhà kho này 42 phách gỗ các loại với khối lượng 1,4m3 (trong đó có 0,9m3 gỗ mun) được cho là tang vật của vụ phá rừng này.

Một hiện trường khác ở tiểu khu 650 trong rừng Phong Nha.
Một hiện trường khác ở tiểu khu 650 trong rừng Phong Nha.

Điều đáng nói, căn nhà này nằm sát bên đường từ trung tâm xã vào Đồn Biên phòng Cồn Roàng, chỉ cách đồn khoảng 2km và cũng là con đường độc đạo dẫn vào phía khu vực rừng bị phá. Thông tin riêng của chúng tôi từ một số đơn vị có chức trách trong vụ phá rừng nghiêm trọng này nhận định, đây có thể sẽ là điểm “mấu chốt” quan trọng trong hoạt động điều tra, tố tụng của vụ việc.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm