Vụ xe cứu hỏa ngược chiều trên cao tốc: Nên chăng, cần có giới hạn về quyền ưu tiên

(PLO) - Vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18/3 vừa qua khiến một cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tử vong và nhiều người khác bị thương đã nhận được các luồng ý kiến khác nhau. 
Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn

Rất nhiều ý kiến cho rằng tuy xe cứu hỏa được đi ngược chiều trên cao tốc trong trường hợp khẩn cấp nhưng phải đặt an toàn lên trên hết.

Xe cứu hỏa có quyền đi ngược chiều

Phía Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội khẳng định xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc là thuộc quyền ưu tiên theo quy định, việc không cua vào làn khẩn cấp là do phía tay trái đang sửa chữa nên phải tránh…

Một lãnh đạo Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông) cũng cho hay theo Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu hỏa được phép di chuyển ngược chiều để tiếp cận tai nạn, cứu hộ các nạn nhân; được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới; không bị hạn chế tốc độ, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như xe cứu hỏa, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở.

Cụ thể, theo quy định của Điều 22 Luật Giao thông đường bộ thì những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: …a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đ) Đoàn xe tang. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d trên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định…

Như vậy, theo các quy định hiện hành, xe cứu hỏa là xe được ưu tiên số một, bất kể trường hợp nào cũng phải ưu tiên nhường đường cho loại xe này. Riêng về quyền đi ngược chiều, Nghị định 109/2009 quy định xe cứu hỏa có quyền này nhưng phải bật đèn tín hiệu để các phương tiện khác thấy.

Đối với vụ việc này, clip ghi lại cho thấy xe cứu hỏa đã bật đèn tín hiệu, nếu chiếu theo quy định của pháp luật thì xe cứu hỏa đã thực hiện đầy đủ các quy định khi lưu thông, không có lỗi. Trong khi đó, đối với xe khách, từ khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, xe khách phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không gây cản trở cho xe giao thông.

Đâu là giới hạn của quyền ưu tiên?

Tuy nhiên, vụ việc này đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Trao đổi với báo chí, đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các phương tiện được chạy tối đa 100km/h. 

Đại tá Trần Sơn nêu quan điểm, trong điều kiện trời mưa, đường trơn và tầm nhìn hạn chế thì người lái xe cứu hỏa dù được quyền ưu tiên nhưng phải hết sức thận trọng chấp hành các quy định khi nhập vào làn cao tốc, phải đi vào làn đường theo quy định rồi mới được lưu thông bình thường.

Trong tình huống này, người điều khiển xe cứu hỏa vào cao tốc không đi vào làn đường khẩn cấp mà lái xe sang làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhất (làn số 1) dẫn đến xe khách không kịp phản ứng, đâm trực diện xe cứu hỏa. 

“Qua clip ghi lại vụ việc có thể thấy, lái xe cứu hỏa thiếu quan sát và chủ quan. Nếu tài xế xe khách đánh lái, rất có thể xe lật nghiêng, lộn nhiều vòng và cũng không thể lường trước được hậu quả”, đại tá Trần Sơn phân tích.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, đại tá Trần Sơn cho rằng, cơ quan điều tra sẽ phải xác định tốc độ xe khách thời điểm xảy ra sự cố, xe cứu hỏa có phát đủ tín hiệu báo hiệu quyền ưu tiên hay không? Đồng thời, kết hợp kết quả khám nghiệm, lời khai các bên, nhân chứng và video toàn cảnh vụ việc để xác định nguyên nhân, lỗi vi phạm đối với người điều khiển của từng phương tiện. 

“Theo tôi, cả người điều khiển xe khách và người điều khiển xe cứu hỏa đều có lỗi. Còn bên nào lỗi nghiêm trọng hơn thì cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan CSĐT” - đại tá Trần Sơn nói.

Cũng phân tích từ clip ghi lại vụ tai nạn, có ý kiến cho rằng: Xe khách hoàn toàn có thể nhìn thấy xe cứu hỏa từ khoảng cách đủ xa để giảm tốc độ. Góc nhìn qua camera trích xuất là rất thoáng. Hơn nữa xe cứu hỏa rẽ vào làn đường tương đối chậm.

Xe cứu hỏa bật còi hiệu và đèn báo nên tài xe phải thấy được trước nếu tập trung lái. Cũng nhiều ý kiến cho rằng do xe khách chạy nhanh, gió ù nên không nghe thấy còi xe cứu hỏa, tuy nhiên với âm lượng lên tới 130 dB của còi xe cứu hỏa (so với 80 - 95 dB của các loại xe dân dụng), việc lái xe không nghe thấy khó có khả năng xảy ra.

Mặt khác theo quy định của pháp luật, khi thấy xe cứu hỏa đang trên đường làm nhiệm vụ, người lái xe khách phải có nghĩa vụ nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Nhưng xe khách không những không giảm tốc mà vẫn cố tình tăng ga, đánh lái cho xe chuyển làn dẫn đến vụ tại nạn.

Đối với việc xây dựng luật, Luật Giao thông đường bộ được soạn thảo và ban hành trong khoảng thời gian 2008, đây là thời điểm Việt Nam chưa có tuyến đường cao tốc nào, mà phải đến năm 2010 mới hoàn thành tuyến đường cao tốc đầu tiên.

Vì lý do đó, các quy định về vận hành, sử dụng đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ chưa tiếp thu được những vấn đề thực tiễn, còn tồn tại, phát sinh nhiều điểm bất cập và đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc như trên. 

Cho dù Luật Giao thông đường bộ quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều thì việc chạy ngược chiều trên đường cao tốc - nơi vận tốc xe tối đa 100-120 km/giờ là quá nguy hiểm, tai nạn thảm khốc rất dễ xảy ra nếu bất ngờ có xe ngược chiều xuất hiện. 

Từ vụ tai nạn trên, Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ (Quyền ưu tiên của một số loại xe) thành: “Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều trừ đường cao tốc, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

Đọc thêm