Vướng mắc ghi chú trong Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn

(PLO) - Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch quy định về thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch như sau: “Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại khoản 8 Điều 21 và khoản 3 Điều 22 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định: “Phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này” tại mặt sau của Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn sử dụng để ghi chú nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi các thông tin hộ tịch thay đổi theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi thực hiện cần ghi rõ ngày, tháng, năm tiến hành ghi chú, thông tin hộ tịch có sự thay đổi và tên loại giấy tờ, số, tên cơ quan, ngày, tháng, năm cấp giấy tờ là căn cứ để thực hiện việc ghi chú.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì cán bộ tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào “phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này” ở mặt sau của Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn. Theo biểu mẫu Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn ban hành theo Thông tư 15/2015/TT-BTP ở mặt sau hướng dẫn nội dung ghi chú phải được đóng dấu nhưng Luật Hộ tịch, Nghị định 123 cũng như Thông tư 15 lại không quy định, hướng dẫn về đóng dấu dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.

Đối với việc ghi chú ở cấp xã thì tương đối rõ, tức là đóng dấu của UBND cấp xã - cơ quan có thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, đối với cấp huyện thì rất lúng túng, ở một số địa phương thì đóng dấu của Phòng Tư pháp, một số nơi thì đóng dấu UBND cấp huyện dẫn đến sự không thống nhất.

Trước đây tại khoản k điểm 5 Mục II Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (hết hiệu lực ngày 02/01/2016) quy định rất rõ về việc đóng dấu vào mặt sau của Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, cụ thể: Mọi ghi chú về thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch đều phải được đóng dấu của cơ quan thực hiện việc ghi chú vào phần nội dung ghi chú trong sổ hộ tịch và mặt sau của bản chính giấy tờ hộ tịch.

Đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện thì do Trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng Tư pháp thực hiện việc ghi chú và đóng dấu của Phòng Tư pháp.

Để có cơ sở pháp lý cũng như tạo sự thống nhất trong việc đóng dấu vào phần ghi chú ở mặt sau của Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, thiết nghĩ Bộ Tư pháp cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Đọc thêm