Gian nan hành trình bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp

(PLO) - Dù được cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ xác định sản phẩm trên thị trường nhái hàng của mình nhưng Hoàng Gia Group vẫn đành bất lực đứng nhìn do cơ quan chức năng ở địa phương chưa hành động quyết liệt, hàng nhái vẫn ngang nhiên hoành hành trên thị trường.
Đội Quản lý thị trường số 19 thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang kiểm tra và thu giữ một số lượng lớn hộp gạch lát nền nghi nhái nhãn hiệu Royal
Đội Quản lý thị trường số 19 thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang kiểm tra và thu giữ một số lượng lớn hộp gạch lát nền nghi nhái nhãn hiệu Royal

Chủ cửa hàng cũng không biết mình bán hàng nhái

Hồi đầu tuần, Đội quản lý thị trường số 30 đóng ở thị trấn Thường Tín, Hà Nội đã đột xuất kiểm tra cửa hàng bán gạch Định Huế ở Phố Tía (Thường Tín, Hà Nội). Tại đây, Đội đã phát hiện và thu giữ gần 3.000 hộp gạch lát nền có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu Royal. Chủ cửa hàng đã xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, không biết gì về việc mình đang bán hàng nhái. Hiện nay Đội đã tạm giữ, niêm phong số gạch trên chờ giám định và xử lý.

Cùng thời gian trên, Đội quản lý thị trường số 19 thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng đột xuất kiểm tra cửa hàng bán gạch Tuệ Thêm tại đường Chùa Thông. Tại đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện và thu giữ gần 700 hộp gạch lát nền cũng có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Royal. Chủ cửa hàng cũng xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán và cũng không biết gì về việc mình đang bán gạch nhái. Hiện số hàng trên cũng đang niêm phong, chờ giám định xử lý. 

Theo thông tin thể hiện trên bao bì sản phẩm mà công ty thu được, những sản phẩm gạch men này mang nhãn hiệu “Royal” do Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam (có địa chỉ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) sản xuất. Điều bất thường là sản phẩm này cũng mang nhãn hiệu “Royal” như sản phẩm gạch ốp lát của Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (Hoàng Gia Group) ở tỉnh Đồng Nai. 

Việc tồn tại cùng một nhãn hiệu “Royal” nhưng sản phẩm lại do hai công ty sản xuất với chất lượng khác nhau và giá cả khác nhau đã gây hoang mang và thiệt hại không chỉ cho khách hàng và người tiêu dùng, mà còn cho DN làm ăn chân chính.

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu 

Trước tình trạng đó, Hoàng Gia Group đã tiến hành trưng cầu kết quả giám định từ Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM. Kết luận giám định số 161/DV/C54B ngày 6/1/2017 của Phân viện đã khẳng định: Sản phẩm gạch men và bao bì mang nhãn hiệu “Royal” của Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam là hàng giả mạo sản phẩm gạch men và bao bì mang nhãn hiệu “Royal” của Hoàng Gia Group.

Trước đó, tháng 11/2016, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cũng đã có kết luận giám định như sau: “Dấu hiệu “Royal và hình” gắn trên vỏ hộp đựng sản phẩm gạch men của Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam là yếu tố xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu “Royal” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 69802 của Hoàng Gia Group”.

Để bảo vệ thương hiệu của mình, Hoàng Gia Group đã phải gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng về việc sản phẩm gạch men ốp lát cao cấp mang nhãn hiệu “Royal” đang bị làm nhái.

Cho đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã thu giữ nhiều lô hàng nghi làm nhái để xử lý. Tuy nhiên, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai - nơi Hoàng Gia Group đặt trụ sở và tỉnh Hưng Yên - nơi Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam có trụ sở (Công ty sản xuất gạch nhái nhãn hiệu Royal) các cơ quan chức năng vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này. 

Ông Đinh Việt Anh - Chủ tịch Hoàng Gia Group - cho biết, sau khi phát hiện sản phẩm làm giả, Công ty đã tiến hành họp khẩn cấp và đưa ra rất nhiều giải pháp như cập nhật brochure, tổ chức các buổi hội thảo khuyến cáo cách nhận diện sản phẩm chính hãng đến các đại lý và người tiêu dùng. “Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giải quyết triệt để vấn đề thì cuộc chiến bảo vệ thương hiệu của DN khó có thể mang lại hiệu quả thực sự”- Chủ tịch Hoàng Gia Group chia sẻ. 

Đọc thêm