Hãi hùng chất cấm trong thức ăn

(PLO) - Tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm, sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) bừa bãi đang diễn ra đáng lo ngại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ riêng trong chăn nuôi, theo thống kê của Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn miền Nam, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vi phạm chỉ tiêu sinh vật sử dụng chất cấm vượt ngưỡng an toàn đến 15,4%, có những cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc cao gấp 4 lần.

Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 15 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Theo đánh giá của Thủ tướng, tình trạng sản xuất, kinh doanh VTNN không bảo đảm chất lượng; hàng giả; không ghi rõ thành phần, hàm lượng, công dụng, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của VTNN còn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý VTNN chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý Nhà nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có nơi buông lỏng quản lý. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm... 

Điều lạ kỳ là chúng ta có hẳn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đều có lực lượng 389 với sự tham gia của đầy đủ các lực lượng chức năng thành viên phối hợp, thường xuyên được tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm nhập lậu, nhưng VTNN không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn ào ạt được tuồn vào Việt Nam.

Chỉ thị của Thủ tướng xác định việc quản lý chất lượng VTNN là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn.

Xin lưu ý, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao trên thế giới với 70.000 người chết và 200.000 ca mới mắc hàng năm. Mặc dù gần đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Ung thư nhiều không phải do thực phẩm bẩn mà nguyên nhân là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính”, tuy nhiên lấy gì để an tâm khi hàng ngày chúng ta vẫn phải ăn, phải nuốt nhiều thứ độc vào cơ thể?

Để bảo vệ nòi giống người Việt, bảo vệ sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu không thể không quản lý VTNN. Câu chuyện này, không lẽ chỉ mãi hô hào?

Đọc thêm