Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh): Người dân hoang mang vì thủy sản bị xanh ruột

(PLO) - Nhiều tháng qua, tại vùng biển xã đảo Quang Lạn, Minh Châu của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) các loại thủy sản như: ngao, hà, sá sùng xuất hiện hiện tượng xanh ruột. Hiện tượng này đang gây nhiều hoang mang và lo lắng cho người dân khi ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ thủy sản trên huyện đảo này.
Ngao ruột có màu xanh.
Ngao ruột có màu xanh.

Hải sản đem phơi khô vẫn nguyên màu xanh

Nhiều người dân sinh sống tại 2 xã đảo Quan Lạn và Minh Châu cho biết từ tháng 12/2016 cho tới thời điểm hiện tại, xuất hiện hiện tượng ngao, hà, sán sùng tự nhiên bị xanh ruột. Bà Châu Thị Sáu sinh sống ở xã đảo Minh Châu cho biết: “Từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ người dân chúng tôi sinh sống trên đảo thấy sá sùng, ngao, hà bị xanh ruột cả, mà tự nhiên năm nay lại thấy hiện tượng này. Những con phi, con sá sùng ở sâu dưới lòng cát biển cũng bị xanh ruột, trong khi đó trong lòng cát không có gì khác lạ, lớp cát trên cùng của mặt biển thì sạch không có rong rêu gì”.

Hiện tượng thủy sản ở 2 vùng biển bị xanh ruột đã gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, nhất là các hộ nuôi ngao và khai thác sá sùng. Người dân xã đảo Quan Lạn và Minh Châu chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác sá sùng. Hầu hết bà con nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề khai thác sá sùng. Với hiện tượng lạ thủy sản vị xanh ruột, sá sùng, ngao, hà khai thác thương lái không ai mua. Kinh tế ảnh hưởng nặng nề, nguồn thu nhập chính  của các hộ dân bị ảnh hưởng, khi các thương lái thấy hiện tượng đó đều không còn thu mua.

 Nguyễn Thị Hà ở xã đảo Quan Lạn không khỏi lo lắng: “Ở đây người dân nhất là người phụ nữ chủ yếu mưu sinh bằng nghề đào mồi (đào sá sùng), hết đời cha ông rồi đến đời con cháu tất cả đều mưu sinh bằng nghề này. Nhưng giờ mồi (sá sùng) bị xanh ruột đi đào không có ai mua. Mồi (sá sùng) tươi đào lên nó xanh biếc như màu mực, đem phơi khô vẫn xanh thương lái họ không mua. Nếu mà hiện tượng này cứ kéo dài thì không biết bà con ở đảo làm gì để mà sống. Con cái học hành, đi lại đều từ bán con mồi mà có, giờ xuất hiện xanh ruột đi đào mồi không ai mua”.

Có phải do tảo?

Theo  kết luận ngày 19/1 của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, hiện tượng ngao, hà, sá sùng có màu xanh thẫm tại Quan Lạn, Minh Châu là do có liên quan đến sự xuất hiện chiếm ưu thế của loại tảo Khuê Rhizosolenia Alata và các loài nhuyễn thể đã ăn phải chúng.

Tuy nhiên theo các hộ dân sinh sống tại 2 xã đảo thì nhiều năm trước đây rêu tảo xuất hiện nhiều ở các bãi biển nhưng ngao, hà, sá sùng đều không bị xanh ruột.

Cô Châu Thị Bình (Minh Châu) cho hay: “Nhiều năm trước rêu tảo ở bãi đào mồi mọc rất nhiều nhưng ngao, hà, sá sùng sinh sống bên dưới đều không bị gì nhưng tự nhiên năm nay lại như thế. Trong khi đó năm nay rêu tảo ít không nhiều như mọi năm. Hiện tại bãi biển không còn rêu tảo phát triển mà ngao, hà, sá sùng vẫn còn xanh ruột”.

Trước hiện tượng này, ông Bùi Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết: “Thời điểm ngao, hà, sá sùng bị xanh ruột đã xuất hiện nhiều từ trong tết. Nguyên nhân là do con nước cùng với thời tiết ấm tạo điều kiện cho rêu tảo mọc, khi đó ngao, hà, sá sùng ăn phải thì bị xanh ruột. Còn mọi năm thời tiết lạnh rêu tảo không phát triển được thì không có hiện tượng nêu trên”.

Ông Liêm cũng cho biết thêm, tất cả xã có 270 hộ dân thì có tới 80% là làm nghề khai thác sá sùng, hiện tượng thủy sản xanh ruột ảnh hưởng lớn đến kinh tế, thu nhập của bà con. Ông Đinh Trung Kiên, trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cũng khẳng định, hiện tượng thủy sản ở Minh Châu và Quan Lạn xanh ruột là do tảo và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi sử dụng.

Trước lời khẳng định của vị cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện sẽ là điều kiện giúp người dân nơi đây giải quyết được vấn đề khó khăn gặp phải khi không thể tiêu thụ được thủy sản. Vì ngao, hà, sá sùng bị xanh ruột đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của hai xã đảo, nhất là công việc khai thác sá sùng, được coi là nghề chính của bà con nơi đây.

Đọc thêm