Nỗi xấu hổ khi người dân phải tự trồng rau

(PLO) -Chuyện người dân đô thị tận dụng từng cen-ti-mét đất để trồng rau, thực chất là một hiện tượng đáng xấu hổ chứ chẳng đáng tự hào, bởi nó cho thấy đô thị nhếch nhác, và người dân bị buộc phải tạo dựng thói quen làng xã nơi đô thị. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những năm qua chúng ta nhận thấy phong trào tự trồng rau, nhất là tại các khu dân cư ngoại thành, người dân mang rau về trồng trong các hộp xốp, chậu nhựa trên tầng tum, ban công, thậm chí trong gầm giường, gầm cầu thang. Việc một số phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội hết lời ca ngợi chuyện tự trồng rau cho thấy chúng ta cần phải xem lại phương pháp truyền thông và nhìn nhận thực tế. 

Xét về nhiều khía cạnh thì việc tự trồng rau là mất nhiều hơn được. Từ nguyên nhân, chính là sự thất bại trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dẫn đến tình trạng các bà, các mẹ, thậm chí cán bộ văn phòng, thay vì làm tốt chuyên môn ở cơ quan, chăm sóc con cái, thì phải tìm cách làm sao để trồng được nhiều rau hơn, chăm sóc sao cho rau mau lớn. Dù họ có tìm hết cách thì cũng không thể cho chất lượng tốt bằng những người có chuyên môn trồng rau – chính là người nông dân. Thứ hai việc người dân tự trồng rau, cho thấy niềm tin đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm ngoài chợ, siêu thị đã giảm sút ở mức cao, khiến họ buộc phải tìm cách “cứu” mình và gia đình.

Ông Phạm Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai và ông Bùi Cao Ly, người trồng rau trên tầng thượng hơn 20 năm, ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn quận Thanh Xuân cho biết, hiện tượng bà con trồng rau sạch là muốn được dùng bữa cơm an toàn. Điều đó là hiển nhiên và thiết thực, chứng tỏ nhu cầu thưởng thức, ăn sạch là rất lớn. “Nhưng đô thị ngày càng chật. Không phải là nào cũng có điều kiện để trồng rau. Họ muốn tự trồng lắm, nhưng đành chịu và phó mặc sức khỏe cho những người bán rau ngoài chợ” - ông Ly chia sẻ.

Phải khẳng định thêm lần nữa, nhu cầu thực phẩm bảo đảm an toàn là nhu cầu thiết thực. Chuyện mất ATVSTP đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng có nói có hơn. Chuyện chăn nuôi bằng chất cấm, hay phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích cho rau quả vô tội vạ, đã trở thành “chuyện thường” của những người vô cảm trước sức khỏe của người dân và đồng loại. Chuyện người dân đô thị tận dụng từng cen-ti-mét đất để trồng rau, thực chất là một hiện tượng đáng xấu hổ chứ chẳng đáng tự hào, bởi nó cho thấy đô thị nhếch nhác, và người dân bị buộc phải tạo dựng thói quen làng xã nơi đô thị.

Hơn thế nữa, cái gọi là rau sạch trồng ngay bên cống rãnh, đường tàu sao có thể sạch được khi hàng ngày cũng được tưới tắm bằng thứ nước bẩn, quang hợp trong môi trường đầy khói xe, bụi bậm?

Bởi vậy lúc này, việc tìm ra đường đi cho rau sạch, phát triển các vùng rau sạch, tạo cơ chế tốt cho rau an toàn vào được mâm cơm mỗi gia đình là điều cả cộng đồng, xã hội phải tính đến. Để từ đó, người dân không phải lo ngay ngáy bệnh tật, tự tìm cách cứu mình bằng phương pháp nhỏ lẻ, tự phát.

Đọc thêm