Tiếp vụ tiểu thương “khóc ròng” trong dự án chợ Cái Nước, Cà Mau: UBND Huyện sẽ công khai, minh bạch tài chính trước nhân dân

(PLO) -  Báo PLVN ngày 11/5/2018, đăng bài: “Cà Mau: Tiểu thương “khóc ròng” trong dự án chợ Cái Nước” - phản ánh về những bất cập trong chủ trương, quy hoạch, phân chia lô sạp của Dự án chợ Cái Nước khiến người dân điêu đứng. Ngày 14/5, UBND huyện Cái Nước có văn bản gửi Báo PLVN phản hồi thông tin về bài báo đã đăng.
UBND huyện sẽ ưu tiên xem xét hỗ trợ đối với những tiểu thương là gia đình chính sách
UBND huyện sẽ ưu tiên xem xét hỗ trợ đối với những tiểu thương là gia đình chính sách

Từ chủ trương làm thay đổi diện mạo đô thị…

Theo văn bản của Huyện, Chợ Cái Nước được quy hoạch và đầu tư xây dựng khoảng năm 1984 đến thời điểm năm 2005 chợ xuống cấp trầm trọng. Huyện đã mời gọi nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án nâng cấp, chỉnh trang, xây dựng chợ Cái Nước nhưng không thực hiện được do chủ đất cũ tiếp tục yêu cầu khiếu nại về việc đền bù, giải phóng mặt bằng và đặc biệt người dân không đồng tình giao cho nhà đầu tư mà yêu cầu nhà nước phải đầu tư.

Đến năm 2015, nhà lồng và các khu vực mua bán hư hỏng nặng không thể sửa chữa, khắc phục được nên người dân yêu cầu phải xây dựng lại và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khu trung tâm chợ. Vì không có nguồn vốn đầu tư nên huyện đã họp tiểu thương xin ý kiến và thống nhất phương án các tiểu thương “nộp trước tiền thuê mặt bằng đề đầu tư xây dựng sau đó trừ lại miễn thời gian không thu tiền. Trong đó, tổng mức đầu tư của dự án, số tiền phải nộp trước, giá cho thuê dựa trên quy định của UBND tỉnh Cà Mau”, văn bản nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương huy động trước nguồn phí thuê mặt bằng chợ để thực hiện đầu tư, nâng cấp xây dựng chợ Cái Nước theo từng giai đoạn và giao cho UBND Thị trấn Cái Nước thực hiện theo quy định.

“Đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện xong các hạng mục: Khu bờ kè bán trái cây rau củ quả thực phẩm; khu nhà lồng tạm để sắp xếp di dời tiểu thương vào mua, bán khi xây dựng chợ (giai đoạn 1); Khu nhà lồng xây dựng lại (Giai đoạn 2); Khu ki-ốt xây dựng lại (giai đoạn 3). Hạ tầng được đầu tư xây dựng mới thông thoáng được đa số bà con tiểu thương và nhân dân đồng tình ủng hộ. Giá trị đất đai khu vực này tăng cao, làm thay đổi diện mạo đô thị và góp phần thực hiện xây dựng đô thị văn minh”.

“Mong mỏi của các tiểu thương là được kéo dài thời gian thuê lô sạp và được giảm tiền thuê để ổn định việc mua bán”, đại diện các tiểu thương chia sẻ.

Mong mỏi của các tiểu thương là được kéo dài thời gian thuê lô sạp và được giảm tiền thuê để ổn định việc mua bán”, đại diện các tiểu thương chia sẻ.

Sẽ công khai, minh bạch tài chính trước dân

Chưa hết, theo văn bản phản hồi, phía UBND Huyện cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế. Khu chợ đã được quy hoạch hệ thống hạ tầng các khu nhà lồng ki-ốt vào năm 1983 và điều chỉnh vào năm 2000, 2004; nhưng do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, để người dân lấn chiếm mua bán nên khi thực hiện xây dựng lại mở rộng đường theo quy hoạch phải giải tỏa một số hộ đã mua bán lấn chiếm nhiều năm, sắp xếp lại. “Theo yêu cầu của tiểu thương, ai cũng muốn sắp xếp lại có chỗ mua, bán không chịu di dời nơi khác. Từ đó tùy theo từng khu vực, loại hình kinh doanh mà sắp xếp lại lô, sạp nhỏ hơn nhưng lối đi thông thoáng”.

Đối với việc công khai thực hiện dự án trong từng giai đoạn, UBND Huyện khẳng định đã thành lập ban giám sát cộng đồng theo quy định. Hiện Huyện đã chỉ đạo thị trấn lập hồ sơ quyết toán theo quy định và sẽ thực hiện công khai, minh bạch tài chính trước dân. Nói về các khoản thu trong thực hiện dự án, UBND Huyện cho rằng: “Không vượt theo các quy định của UBND tỉnh, vận động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trên tinh thần tự nguyện của tiểu thương có tổ chức họp xin ý kiến công khai”.

Trả lời về vấn đề một số hộ khó khăn phải vay nợ thì UBND Huyện cho biết, khi thực hiện dự án, chính quyền Huyện có thông báo cho bà con khó khăn có nhu cầu vay vốn thì Thị trấn sẽ kết nối với ngân hàng để hỗ trợ cho vay vốn, nhưng đa số bà con không có nhu cầu. Đối với việc cung cấp điện, nước vệ sinh công cộng, phòng cháy các hạng mục này, Huyện cho rằng: Tuy đã thực hiện đầy đủ nhưng chưa đáp ứng nhu cầu gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân và mất an toàn trong sử dụng theo phản ảnh. UBND Huyện hứa sẽ tập trung chỉ đạo thị trấn khắc phục ngay. Đồng thời, theo UBND huyện, các quyền lợi chính đáng của người dân đã được xem xét cơ bản hợp tình, hợp lý và phù hợp với điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo PLVN, UBND Huyện sẽ tiếp tục xem xét giải quyết phù hợp.

Huyện sẽ đối thoại để lắng nghe nguyện vọng tiểu thương

Đối với những phản ánh của tiểu thương về thời gian thuê mặt bằng, UBND Huyện ghi nhận đây là những phản ánh chính đáng, UBND Huyện sẽ xem xét và có kiến nghị kéo dài thời gian cho các tiểu thương. Riêng về phản ánh của một số người dân về một số cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu công tâm, UBND Huyện sẽ xem xét có biện pháp xử lý phù hợp và xin lỗi trước dân.

Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND Huyện Cái Nước khẳng định: Để giải quyết những bức xúc, khó khăn của bà con tiểu thương, trong thời gian tới, UBND Huyện sẽ phối hợp với UBND Thị trấn tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng và ý kiến tiểu thương. Sau đó, sẽ có biện pháp giải quyết triệt để, hướng đến sự ổn định cuộc sống của các hộ tiểu thương.

Đọc thêm