Bao giờ Việt Nam có ngân hàng nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á?

(PLO) - Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định  986/QĐ-TTg vừa được Chính phủ ban hành ngày 8/8/2018, Chính phủ khẳng định ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam…
Bao giờ Việt Nam có ngân hàng nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á?

Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển hệ thống các TCTD hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, đảm bảo mọi người dân và DN có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.

Cụ thể, phát triển hệ thống các TCTD phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn.

Giai đoạn 2018 – 2020: Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đến năm 2020: Các Ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 – 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Giai đoạn 2021 – 2025: Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD. Phần đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao.

Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế…

Chiến lược cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là Nhà nước thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Nhà nước can thiệp chủ yếu bằng công cụ thị trường, hoặc thông qua nguồn lực tài chính nhà nước. Hệ thống các TCTD, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm,/,

Đọc thêm