Cần tiếp tục gỡ vướng trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

(PLO) - Theo Báo cáo số 19/BC-CP về công tác thi hành án năm 2018, tổng số phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng là 24.907 việc, với số tiền gần 109 nghìn đồng, tương ứng với 2,72% về việc và 62,1% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả, đã thi hành xong 4.251 việc, thu được số tiền gần 24,6 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,07% về việc và 22,55% về tiền.
Chấp hành viên kê biên tài sản trong một vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Ảnh minh họa
Chấp hành viên kê biên tài sản trong một vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Ảnh minh họa

Đạt được kết quả trên là nhờ Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, kiểm tra, phúc tra và trả lời các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức tín dụng về các nội dung liên quan đến nghiệp vụ THADS.

Đồng thời, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 42, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo triển khai thực hiện, rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang thi hành để có kế hoạch đẩy nhanh việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định loại này; kịp thời tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS đối với những vụ việc phức tạp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cơ bản trong thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2018 cần được tháo gỡ để đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới. Điển hình là hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ như thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá; không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp hoặc đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua. Một số ngân hàng có tâm lý bảo vệ khách hàng, thiếu hợp tác trong cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42, bên cạnh những thuận lợi thì cũng đã phát sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn, về nghĩa vụ nộp thuế khi bán đấu giá tài sản, khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 42 quy định việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo đó, khi chuyển nhượng bất động sản, người có tài sản chuyển nhượng (kể cả người phải thi hành án) thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP. Nhưng Điều 12 Nghị quyết 42 lại quy định số tiền thu từ tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Các trường hợp xử lý nợ xấu thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho tổ chức tín dụng nên không còn để thanh toán nghĩa vụ thuế. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan thuế đều yêu cầu phải hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì mới tiến hành được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, khởi kiện yêu cầu cơ quan THADS phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản.

Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất cũng gặp không ít bất cập. Khoản 5 Điều 115 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ mà người phải thi hành án không còn tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì cơ quan THADS trích lại một khoản tiền để người đó thuê nhà (giá thuê trung bình tại địa phương) trong thời hạn 01 năm.

Đây là chính sách nhân đạo nhằm đảm bảo nơi cư trú tối thiểu cho người phải thi hành án khi bị cưỡng chế giao nhà nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Có điều, Nghị quyết 42 quy định ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện các nghĩa vụ khác nên nhiều tổ chức tín dụng không hỗ trợ khoản kinh phí này gây khó khăn cho công tác cưỡng chế giao tài sản.

Trường hợp người phải thi hành án và gia đình không được hỗ trợ chỗ sinh sống tạm thời thì không nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như xã hội nên cơ quan THADS không thể cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá và đồng nghĩa với việc không thể thanh toán tiền cho các tổ chức tín dụng. Nhiều trường hợp Ban Chỉ đạo THADS không chỉ đạo cưỡng chế các vụ việc loại này vì e ngại vấn đề ổn định an ninh chính trị tại địa phương... 

Đọc thêm