Những ngân hàng nào uy tín nhất năm 2018?

(PLO) - Ngoài 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) liên tiếp năm thứ hai dẫn đầu bảng, bất ngờ trong Bảng xếp hạng Top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) đã trở lại Bảng xếp hạng sau 1 năm vắng bóng...
Sacombank lấy lại uy tín sau một thời gian quyết liệt tái cơ cấu
Sacombank lấy lại uy tín sau một thời gian quyết liệt tái cơ cấu

Sacombank “vào sân”…

Top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm 2018 do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Á châu (ACB); Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng NN&PTNT (Agribank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank).

So với Bảng xếp hạng 2017, Vietcombank vẫn soán ngôi đầu, vị trí mà VietinBank đạt được trong năm 2016. Có sự thay đổi nhỏ trong Bảng xếp hạng năm nay nhưng lại là tín hiệu vui cho các ngân hàng đang nỗ lực tái cơ cấu: Sacombank đã “vào sân” thay thế cho Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) nằm ở vị trí thứ 10 trong Bảng xếp hạng năm nay.

Ở Bảng xếp hạng năm 2016, Sacobank đã từng ở vị trí thứ 7 và năm 2017 bị “out” khỏi bảng xếp hạng. Được biết đến là một trong số các ngân hàng yếu kém, sau nửa năm tái cơ cấu hoạt động, bước vào năm 2018, Sacombank thực sự “lột xác” khi các chỉ tiêu hoạt động có sự bứt phá và nhanh chóng về nhóm các ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam.

Theo nhận định của Vietnam Report, xếp hạng này phản ánh quá trình củng cố và ổn định, tập trung cho quá trình tái cơ cấu đặt trong toàn cảnh tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018. 

Tập trung tái cơ cấu hệ thống quản lý và quản trị Theo Báo cáo của Vietnam Report cho thấy, trong giai đoạn 2017-2018, các ngân hàng tập trung vào việc tái cơ cấu nội bộ, sự thay đổi trong bộ máy quản lý, hay từ góc độ thanh tra giám sát ngân hàng. Kết quả mã hóa dữ liệu ngân hàng trên các đầu báo có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ tháng 06/2017 đến tháng 05/2018 của Vietnam Report cho thấy trong số 926 coding unit xoay quanh chủ đề: Hình ảnh ngân hàng trên thị trường; Chế độ nhân sự và Chiến lược kinh doanh; M&A. Lượng thông tin tập trung tương đối nhiều về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong hệ thống các ngân hàng (chiếm 19,5%) và điều tra, thanh tra, xử lý các sai phạm (12,95%). “Điều này cho thấy sự tăng cường về mặt quản lý, giám sát các sai phạm và điều chỉnh cơ cấu nội bộ ngân hàng…” - Chuyên gia của Vietnam Report nhận định.

Đặc biệt, trong năm 2017, tỷ lệ nợ xấu đã giảm tương đối mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 3/2018, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý được 753,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, riêng trong năm 2017, tổng các khoản nợ xấu đã được xử lý là 115,54 nghìn tỷ đồng. Điểm tích cực trong giai đoạn qua là các ngân hàng đã đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu đã bán cho VAMC.

Các ngân hàng nằm trong Top 10 như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB đã hoàn tất xử lý nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và Vietinbank đã hoàn tất trong Quý I/2018. 

Cũng trong giai đoạn 2017 - 2018, nhiều ngân hàng đã đạt được tăng trưởng cao và ổn định. Theo các chuyên gia, thành quả các ngân hàng đến từ việc giữ tỷ lệ NIM (chênh lệch lãi suất huy động/cho vay) ở mức lý tưởng; cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu tín dụng. Thay vì tập trung vào bán buôn như trong giai đoạn trước, các ngân hàng hiện đang chạy đua sang mảng bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ và giảm độc canh tín dụng. Các chuyên gia cũng nhận định đây là hướng đi đúng với các ngân hàng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy trong năm 2018, ngành ngân hàng lạc quan với triển vọng tăng trưởng. 100% NHTM tham gia khảo sát tháng 5 vừa qua kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt trên 10%. Nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2018 hết sức tích cực trong các Đại hội cổ đông, có ngân hàng dự định với mức tăng trưởng lên tới 40-65%. 

Rủi ro lớn nhất là rủi ro tín dụng

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, 4 rủi ro sẽ vẫn là những vấn đề tâm điểm các ngân hàng cần quan tâm trong quá trình hoạt động là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng khi 100% ý kiến đồng tình với nhận định này. Hiện nay, tăng trưởng tín dụng cao và chuyển đổi sang đối tượng khách hàng cá nhân thay vì bất động sản nên tăng trưởng được đánh giá là đỡ “nóng” và rủi ro.

Tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để đi vay tiêu dùng trở nên phổ biến, trong khi đó độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp dẫn đến việc ngân hàng và các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay. Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh càng trở nên gay gắt, những ngân hàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn; chưa kể đến những quan ngại cho rằng tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.

Đọc thêm