Rà soát, đánh giá quy định đăng ký bất động sản trong Luật Đất đai

(PLO) - Khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay rất rộng nên thiếu định hướng chung trong thiết kế, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về lĩnh vực này là một trong những nhận định của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) thông qua rà soát pháp luật về đăng ký tài sản. Để tháo gỡ, Cục đề xuất trước mắt cần tập trung rà soát, đánh giá nội dung về đăng ký bất động sản theo quy định của Luật Đất đai, còn lâu dài mới tiến tới xây dựng Luật Đăng ký bất động sản.
Pháp luật về đăng ký tài sản đang thiếu định hướng chung.
Pháp luật về đăng ký tài sản đang thiếu định hướng chung.

Gần 80 văn bản điều chỉnh đăng ký tài sản

Qua rà soát bước đầu, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (GDBĐ) đánh giá nhiều kết quả tích cực của hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh về đăng ký tài sản. Cụ thể, hệ thống này đã tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận, công nhận, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp đối với các tài sản khác nhau của cá nhân, tổ chức như tài sản là bất động sản, tàu bay, tàu biển, chứng khoán, quyền sở hữu trí tuệ…; có được những cơ chế pháp lý tương thích với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, pháp luật đã ghi nhận những chuẩn mực pháp lý nhằm bảo đảm an toàn pháp lý thúc đẩy các giao lưu dân sự kinh tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp các vụ kiện liên quan đến tài sản, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình…

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện có tới 79 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 22 luật và bộ luật được ban hành tại những thời điểm, bối cảnh và mục đích khác nhau. Các bộ, ngành chủ trì soạn thảo và giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước theo các văn bản luật đó cũng khác nhau.

Do vậy, việc thiếu định hướng chung trong thiết kế, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản là khá rõ nét. Không những thế, nguyên tắc đăng ký bắt buộc với quyền sử dụng đất nhưng tự nguyện đối với nhà ở, công trình xây dựng trên đất đang tạo ra nhiều bất cập trong thực tiễn.

Ngoài ra, Cục Đăng ký còn cho biết, pháp luật về đăng ký tài sản chưa quy định trình tự, thủ tục đăng ký các quyền khác đối với tài sản đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, gây khó khăn cho người dân trong thực thi các quyền này. 

Chưa nên xây dựng luật chung về đăng ký tài sản 

Trước những bất cập trên, tại Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Pháp về pháp luật đăng ký tài sản diễn ra mới đây, theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Nguyễn Chi Lan, Cục nhận thấy hiện tại chưa nên xây dựng một luật chung về đăng ký tài sản (không phân biệt bất động sản hay động sản) mà giai đoạn trước mắt chỉ cần tập trung rà soát, đánh giá nội dung về đăng ký bất động sản theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, từ đó có những sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Bởi qua nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới thì việc đăng ký tài sản cũng chủ yếu tập trung vào đăng ký bất động sản thông qua việc ban hành Luật Đăng ký bất động sản. Còn về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm tiến tới xây dựng Luật Đăng ký bất động sản trong tương lai.

Chia sẻ thông tin về hệ thống cơ quan đăng ký tài sản và thực tiễn triển khai đăng ký tài sản tại Pháp, Giáo sư Michel Grimaldi cũng cho biết: Ở Pháp chỉ thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm là bất động sản và động sản là tài sản được hai bên giao kết hợp đồng sử dụng làm thế chấp, tín chấp hoặc động sản cần đăng ký lưu hành (như tàu bay, tàu biển) chứ không thực hiện đăng ký cho các loại tài sản khác.

Còn đối với đăng ký bất động sản (đăng ký đất đai), ông Grimaldi khẳng định, khi phát sinh quyền đối với loại tài sản này thì phải đăng ký, giúp công khai thông tin pháp lý của tài sản. 

Tuy nhiên, tương tự như Việt Nam hiện nay thì theo vị Giáo sư người Pháp, giai đoạn trước tại Pháp cũng đã có luồng ý kiến cho rằng, việc đăng ký đất đai làm lộ thông tin về tài sản cũng như tình trạng nợ nần của cá nhân nên nhiều người không muốn tiết lộ thông tin về tài sản của mình.

Có điều, một khi thị trường bất động sản phát triển mạnh, phát sinh nhiều giao dịch liên quan đến bất động sản thì nhu cầu tìm hiểu tính pháp lý của tài sản sẽ tăng lên, từ đó tác động đến việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản.

Đưa ra một số khuyến nghị định hướng xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản tại Việt Nam, ông cũng chia sẻ nội dung đăng ký đất đai của Pháp là tất cả thông tin liên quan đến đảm bảo tính pháp lý của đất, trừ 2 ngoại lệ là tình trạng tài sản trên đất và những thông tin về mục đích sử dụng đất. 

Đọc thêm