Thừa tiền vẽ... nhà hát

(PLO) - Ngoài vấn đề kiến trúc Nhà hát Hoa Sen xấu xí, lạc hậu, đặc biệt hơn, dư luận và giới chuyên môn cho rằng, thời điểm hiện tại, Hà Nội có cần thiết phải có nhà hát... hoành tráng vậy không? Bởi, theo thống kê, trên toàn quốc hiện có 71 nhà hát và trung tâm biểu diễn nghệ thuật các loại. Trong đó, hầu hết các nhà hát đều rơi vào tình trạng “tắt đèn”!
Thừa tiền vẽ... nhà hát

Nhiều nhà hát trăm tỷ “đắp chiếu”

Cuối tháng 7 vừa qua, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng Nhà hát Hanoi Lotus (Nhà hát Hoa Sen) công suất 2.000 chỗ ngồi và xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Nhà hát Hoa Sen sẽ toạ lạc tại quận Cầu Giấy. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Nhà hát Hoa Sen được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá, sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí... Dự kiến đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (tháng 10/2019), nhà hát trên sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Dự án xây dựng Nhà hát Hoa Sen này khiến không ít nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư (KTS) đưa ra ý kiến trái chiều. TS. KTS Ngô Doãn Đức - Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ý tưởng kiến trúc Nhà hát Hanoi Lotus theo biểu tượng hoa sen là đi theo lối sáng tác cũ kỹ. Vật liệu, ngôn ngữ kiến trúc, tính biểu hiện thời đại không có. Lối suy nghĩ lấy hình tượng hoa sen để tạo hình các công trình kiến trúc ở Hà Nội không biết sẽ theo đuổi đến bao giờ. Tại sao cứ lúc nào cũng phải hoa sen. Sân bay cũng hoa sen, đền chùa cũng hoa sen, Nhà hát cũng hoa sen…

KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng đồng tình với TS. KTS Đức, công trình này trước hết “xấu” và quá tả thực: “Giả dụ đó là bông sen thật mà to như thế thì làm mất tỉ lệ con người. Nếu có định xây dựng một công trình lấy biểu tượng bông sen phải chứa đựng sự ẩn dụ chứ không thể tả thực như thế. Chỉ sao chép bông hoa một cách thô thiển thì cần gì nghệ thuật hay KTS”. Thậm chí, nhiều KTS đánh giá, mô hình Nhà hát Hoa Sen khiến người ta liên tưởng đó là xác... hoa sen chứ không thể cảm nhận hồn... hoa sen. 

Ngoài vấn đề kiến trúc Nhà hát Hoa Sen xấu xí, nhạt nhòa, lạc hậu, đặc biệt hơn, dư luận và giới chuyên môn cho rằng, thời điểm hiện tại, Hà Nội có cần thiết phải có nhà hát... hoành tráng vậy không? Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có 71 nhà hát và trung tâm biểu diễn nghệ thuật các loại. Trong đó, hầu hết các nhà hát đều rơi vào tình trạng “tắt đèn”. Chỉ riêng tại Hà Nội- trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước mà các Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà hát Âu Cơ, Nhà hát chèo, Nhà hát Kịch nói... thi thoảng mới... sáng đèn. 

Nhà hát huyện Đan Phượng với tổng vốn đầu tư 117,41 tỷ đồng được phê duyệt khi chưa có nguồn vốn bố trí, không được thực hiện quy trình thẩm định vốn. Việc xây dựng nhà hát này một lần nữa lại đặt ra vấn đề lãng phí trong sử dụng ngân sách. Nhà hát huyện Đan Phượng hoạt động èo uột, vắng vẻ. Thái Nguyên cũng có tới 4 nhà hát mà bỏ hoang cả bốn, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới.

Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật (thường gọi Nhà hát Ba Nón Lá, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là công trình văn hóa có quy mô đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Theo thiết kế nhà hát có hình dáng 3 chiếc nón lá hướng mái vào nhau với tổng diện tích 2.262m2, tổng vốn đầu tư lên đến 222 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi Nhà hát được đưa vào sử dụng năm 2016 đến nay thì thường xuyên đóng cửa vì rất ít khi có sự kiện văn hoá, văn nghệ tổ chức.Vì quá vắng khách hoặc rất ít sự kiện,  không ít “chủ”  nhà hát đã tận dụng mặt bằng để cho thuê bán hàng,  cà phê, tổ chức đám cưới...

TPHCM đến nay vẫn chưa có được một sân khấu nghệ thuật nào đúng chuẩn, có tầm vóc, đại diện bộ mặt văn hóa của thành phố. Vì vậy, việc thành phố quan tâm xây dựng rạp Hưng Đạo đã được giới nghệ sĩ đặt nhiều kỳ vọng là một sân khấu hoành tráng, quy mô, hiện đại. Nhưng với kinh phí đội từ vài chục tỷ đồng lên đến hơn 123 tỷ đồng, đến ngày khánh thành, người làm nghề bật ngửa, “dở khóc, dở cười” với cách thiết kế cẩu thả, kém chất, nhiều hạng mục công trình xây dựng bất hợp lý, vừa kém thẩm mỹ vừa không thể ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Kết cuộc, rạp hoàn thành nhưng không thể đưa vào hoạt động.

Hãy cho các nhà hát sáng đèn rồi mới xây thêm!

Các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, kiến trúc sư và dư luận cho rằng, xây dựng nhà hát hiện đại, hoành tráng hay xây dựng các thiết kế văn hóa hiện đại phát triển văn hóa là cần thiết nhưng không phải bây giờ. Khi mà có nhiều nhà hát còn đang... “đắp chiếu”, le lói ánh đèn sân khấu, đời sống kinh tế người dân chưa cao. Trong khi các bệnh viện, trường học bị quá tải, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, người bệnh không có cơ hội tới bệnh viện, trẻ em mong có trường, lớp không dột nát. Việc xây dựng Nhà hát trăm tỷ, nghìn tỷ thời điểm này quá xa xỉ, rất lãng phí, chưa hợp lòng dư luận. 

Bàn về vấn đề này, theo GS Ngô Đức Thịnh: “Hiện nay hoạt động các nhà hát đang rất kém, tất nhiên nó do nhiều yếu tố tác động. Ví dụ như, đời sống văn hóa bây giờ đã thông qua nhiều hình thức như truyền hình, Internet, nên việc đến nhà hát bị hạn chế. Bây giờ lại đầu tư nhà hát, trong khi hát thì không ai xem, dẫn đến thua lỗ, cuối cùng xây thêm cũng không để làm gì. Và bản thân tôi tin chắc đây không phải là một nhu cầu gì, chẳng qua, chỉ là sự ngông cuồng, hay nhìn thấy nước này, nước kia mà cũng chạy theo, chứ điều tra, nghiên cứu thực tế gì”.

“Tại sao trong khi còn quá nhiều công trình chưa sử dụng hết công suất như thế mà chúng ta lại đi xây dựng thêm một Nhà hát Hoa Sen với công suất lớn như đề xuất vừa rồi. Bây giờ, thử hỏi các nhà hát hiện nay được bao nhiêu cái sáng đèn, hãy cho sáng đèn tất cả đi rồi hãy nghĩ đến việc làm cái mới” -  KTS Nguyễn Thế Khải nhấn mạnh.