Ai được lợi từ vụ xây nhà hát ở Thủ Thiêm?

(PLO) - Báo cáo trước HĐND TPHCM, Phó chủ tịch thành phố Lê Thanh Liêm cho hay, dự án nhà hát với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1). Vậy ai được lợi từ việc xây nhà hát và tại sao HĐND lại hối hả bấm nút nhanh như vậy?
Khu đất đẹp dự kiến ban đầu xây nhà hát tại 23 Lê Duẩn
Khu đất đẹp dự kiến ban đầu xây nhà hát tại 23 Lê Duẩn

Vấn đề được quan tâm là tại sao một dự án “nổi trôi 1/4 thế kỷ” nay bỗng dưng được coi trọng, cấp bách. Việc xây dựng nhà hát nghìn tỉ này được sử dụng từ nguồn tiền có được bằng bán đấu giá đất "vàng". Nhưng, tiền đấu giá là công quỹ của nhà nước, việc xây dựng nên một nhà hát không đúng tầm, gây lãng phí, còn các vị lãnh đạo đặt bút ký thì đã “hạ cánh”.

Dư luận đặt câu hỏi việc đấu giá này có thực sự minh bạch, có “lợi ích nhóm” không? 

Quả thực việc xây dựng nhà hát nhạc vũ kịch nó cũng có một số phận chìm nổi. Lúc đầu, TP HCM dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn (miếng đất đã được bán đấu giá) nhưng rồi nhiều ý kiến cho rằng địa điểm được chọn "không phù hợp". Địa điểm xây dựng được chuyển xuống quận 11, nhưng khi giải phóng mặt bằng xong lại nhượng lại cho một dự án khu cao ốc, văn phòng, chung cư. Tiếp đến lại có dự định chuyển đến công viên 23/9, mặt tiền nhìn ra chợ Bến Thành, song bất thành do đây là khu công viên.

Bây giờ HĐND có kỳ họp bất thường để bàn một chuyện bình thường là “xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm”, ngay sát chân cầu Thủ Thiêm và coi đó là “vấn đề nóng”.

Điều đó khiến chúng ta muốn đặt câu hỏi cho kỳ họp này là: Việc bao nhiêu năm được coi là chuyện bên lề, sao bỗng dưng đặt thành trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách và một biểu tượng của Thành phố?

Khu đất bán đấu giá dự kiến sẽ mọc lên một cao ốc hiện đại
Khu đất bán đấu giá dự kiến sẽ mọc lên một cao ốc hiện đại

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: “Việc xây dựng nhà hát nhằm mục đích đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm. TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học, mà còn có những giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình xứng tầm.

Việc xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố”.

Tại sao phương án ban đầu là xây dựng nhà hát ở số 23 Lê Duẩn, nhưng sau đó được đánh giá “không phù hợp”, bây giờ lại đấu giá bán lại cho công ty Tân Hoàng Minh để chuyển nhà hát sang Thủ Thiêm. Liệu con số 1.500 tỷ đồng để xây dựng một nhà hát có thể biến TP Hồ Chí Minh thành một “vị thế” mới như HĐND đã quyết?.

Để phát triễn vị thế của một TP như đồng chí lãnh đạo nói thì không thể xây một nhà hát hàng ngàn tỷ đồng mà phải bắt đầu từ đào tạo con người, cải cách hành chính, tuân thủ luật pháp, quy hoạch đô thị, phát triển KTXH.

Và trong vụ việc này HĐND TP có thực sự phản ánh đúng nguyện vọng của người dân như luật đã định hay vẫn là “việc quan quan làm, việc dân dân lo”?

Vậy thì ai được lợi trong quyết định xây dựng này, dân hay nghệ sĩ?. Có lẽ bạn đọc đã có câu trả lời.

Khu đất số 23 Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM trước khi mang ra bán đấu giá là trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TP. HCM. Tháng 6/2015, khu đất 23 Lê Duẩn có diện tích 3.000m2, chiều ngang mặt tiền Lê Duẩn 55m, tọa lạc tại khu vực sang trọng bậc nhất của thành phố được mang ra bán đấu giá với giá khởi điểm là 588 tỷ đồng. Khu đất được quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và dịch vụ với chiều cao tối đa 100m.

Phiên đấu giá công khai khu đất có diện tích 3.000m2, chiều ngang mặt tiền Lê Duẩn 55m được thực hiện vào ngày 23/6/2015 với mức giá khởi điểm là 588 tỷ đồng.

Tiếp đó, trong hai phiên tiếp theo, mức giá được đẩy lên 1.000 tỷ đồng. Ở mức giá này đã có sáu đại gia bỏ cuộc, ba đơn vị còn lại là Tân Hoàng Minh, ông Jonathan Hạnh Nguyễn và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco).

Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trở thành chủ nhân của khu “đất kim cương” này với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Bình quân, mỗi m2 có giá trị khoảng 470 triệu đồng.

Ngay sau khi UBND TP. HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Doanh nghiệp cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá, và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. 

Bất ngờ, trong tháng 6, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn. Trong thời gian này, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam lại đề xuất thành phố bổ sung khu đất này vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT của một dự án chống ngập mà công ty này làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 12/2016, UBND TP. HCM có văn bản chỉ đạo đến hết ngày 30/12/2016, nếu Tân Hoàng Minh không nộp hết số tiền trúng đấu giá, thành phố sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.

Cuối cùngTân Hoàng Minh cho biết đã hoàn tất thủ tục nộp số tiền 1.430 tỷ đồng để chính thức trở thành chủ sở hữu mảnh đất vàng tại 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM vào ngày 29/12/2016 (1 ngày trước thời hạn)