Bà Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng!

(PLO) - “Nhất định phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất, cho thuê đất nộp tiền một lần cho mục đích kinh doanh, thương mại. Tôi cho là Nhà nước thất thoát nhiều lắm trong quản lý đất đai. Giờ người ta làm giàu, các đại gia bất động sản phất lên đều từ chỗ này” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Đúng như vậy.
Phải đấu thầu công khai việc giao đất (Ảnh minh họa)
Phải đấu thầu công khai việc giao đất (Ảnh minh họa)

Trang 2, Báo Pháp luật Việt Nam ngày thứ Tư, (17/10) có bài “Từ năm 2019 sẽ đấu giá đất đai của Nhà nước”. Thưa, năm 1996, sau khi một số tỉnh được chia tách từ tỉnh lớn được sát nhập trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam (lúc đó là Báo Pháp luật) đã có bài viết “Giun đất”. 

Từ năm 1999 – 2000, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) đã từng thực hiện 3 cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên toàn quốc, trong đó có chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai. Thưa, gần như năm nào cơ quan Thanh tra cấp này, cấp khác đều có thanh tra về đất và đều “kiến nghị”.

Càng ngày, tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam càng nổi lên ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý, mặc dù các cấp có thẩm quyền đã có nhiều nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý. Tham nhũng trong quản lý đất đai ngày càng đáng báo động.

Đơn giản là các cụ xưa đã dạy: “người sinh, đất không đẻ”. Đơn giản vì đất đai là tài nguyên đặc biệt, tư liệu sản xuất đặc biệt, hàng hóa đặc biệt...

Tham nhũng về đất đai được nhận diện: Tham nhũng ẩn nấp sau cơ chế chính sách không đồng bộ, quản lý chồng chéo; ẩn nấp sau việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gọi là cấp “sổ đỏ”; nằm trong trong việc quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án công nghiệp, đô thị, phát triển hạ tầng vốn đang nóng bỏng hiện nay.

Bất bình đẳng xã hội sinh ra từ đất. Ví dụ: cùng là cán bộ như nhau nhưng anh có mánh lới để “xin đất”, cơ quan được giao nhiều đất xây chung cư, cán bộ được mua giá gốc “sang tay” “bán lúa non” là đã giàu hơn cán bộ khác không có điều kiện. Thậm chí, đất đai sinh ra bất bình đẳng giữa cán bộ cao cấp.

Ví dụ: có cán bộ cao cấp gia đình trả lại biệt thự nhưng có gia đình được “hóa giá” theo Nghị định 61/NĐ-CP, “sang tay” ngay sau khi được hóa giá và con cháu đã được chia nhau hàng chục triệu đô la. Đây là câu chuyện có thật ở Hà Nội.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây: Người ta giàu lên từ việc Nhà nước thất thoát trong quản lý đất! “Người ta” ở đây có những “đại gia” đã và đang làm resort, sân golf, khu nghỉ dưỡng, làm BT giao thông ở các đô thị lớn.

“Nhất định phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất, cho thuê đất nộp tiền một lần cho mục đích kinh doanh, thương mại. Tôi cho là Nhà nước thất thoát nhiều lắm trong quản lý đất đai. Giờ người ta làm giàu, các đại gia bất động sản phất lên đều từ chỗ này” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Đúng như vậy.

Đáng buồn là về mặt quản lý, dường như Nhà nước như “gà mắc tóc” về sửa đổi luật pháp. Biết bao đề tài, công trình nghiên cứu khoa học ở các bộ, ngành chức năng, tốn không ít tiền kinh phí “làm đề tài” nhưng những đề xuất về giải pháp vẫn chung chung, đút vào tủ.

Bao giờ giá trị sinh lời từ đất không chỉ rơi vào túi cá nhân?.