“Chạy” cũng không thoát

(PLO) - Những gian lận thi cử bị phanh phui đã khẳng định một thực tế là có hiện tượng “chạy” vào các trường “hot”. Trong tình thế đang chưa có kết luận chính thức về điểm thi của một số tỉnh thì mọi người vẫn nhìn các thủ khoa, á khoa của nhiều trường bằng con mắt nghi ngờ. 
Hình chỉ mang tính chất minh họa
Hình chỉ mang tính chất minh họa

Vấn đề đặt ra là những thí sinh trúng tuyển vào đại học mà được làm rõ là do gian lận thì phải xử lý thế nào? Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng cần hủy bỏ kết quả thi của thí sinh đó, chế tài kèm theo là không được dự thi trong một vài năm tới. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng các em chỉ là “nạn nhân” của người lớn và trường đại học có nhiệm vụ “thanh lọc” trong quá trình đào tạo của mình, thậm chí, nếu không có năng lực thì khi ra xã hội cũng bị đào thải mà thôi.

Sự “nhân văn” này rõ ràng đã làm tổn thương đến công bằng khoa cử và nghiêm minh pháp luật. Các trường đã có ý tưởng kiểm tra lại trình độ của các thí sinh trúng tuyển và Bộ GD&ĐT cũng đã “bật đèn xanh”, nên làm ngay, không để chậm trễ.

Ở một diễn biến khác, “chạy” tội trước nay cũng chỉ cho là hiện tượng và có không ít trường hợp cứ khởi tố vụ án là bị can mắc bệnh tâm thần có chứng nhận hẳn hoi. Câu trả lời đã rõ khi mới đây, Công an Hà Nội đã phát hiện ra một đường dây “chạy” bệnh án tâm thần, hơn một chục trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã chìa ra “bảo bối” này.

Công an đã bắt giữ những bác sỹ cung cấp các chứng nhận đó khi đủ bằng chứng cho thấy giá của một “hồ sơ bệnh án” nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật chỉ có giá chưa đến 100 triệu đồng.

Một sự kiện “động trời” khác, Bộ Tư pháp qua kiểm tra, phát hiện 5.600 văn bản đã ban hành của các bộ, ngành và tỉnh có nội dung hoặc thể thức “trái pháp luật”. Lại một câu hỏi được đặt ra: Liệu có hành vi “chạy” chính sách, “lợi ích nhóm” hay “tham nhũng chính sách” ở các văn bản này?

Trong lĩnh vực gian lận thi cử vừa qua, động cơ, mục đích của việc nâng điểm chưa được khẳng định, cũng như có “đường dây” nào thực hiện việc đó không thì chưa được làm rõ. Dư luận nóng lòng chờ đợi câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng để góp phần chấm dứt tình trạng đi học thì “chạy” điểm, ra công tác thì “chạy” ghế, làm việc thì “chạy” chính sách, khi phạm tội thì tìm đủ cách để “chạy” án,... 

Phải siết chặt kỷ cương, cắt đứt mọi con đường “chạy chọt” bằng thực tế là có “chạy” cũng không thoát!