“Hàm” là cái gì vậy?

(PLO) - Bộ Nội vụ vừa phát đi một thông báo yêu cầu hoãn lại việc bổ nhiệm chức danh "hàm".
Hình minh họa
Hình minh họa

Nội dung công văn đó là: "Để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm", đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức".

"Hàm" là cái gì và nó có vị trí như thế nào trong thang bậc chức vụ của bộ máy nhà nước chúng ta? Trước hết, chức danh "hàm" không hề có trong quy định của Luật Cán bộ, công chức cũng như các văn bản liên quan đến lĩnh vực này, đơn giản, đó chỉ là sự "vận dụng sáng tạo" trong công tác cán bộ mà thôi. "Hàm" được sinh ra để giải quyết "khâu oai" là chính, cho một số anh em khỏi "tâm tư" và để "đối ngoại" khi làm việc cho "ngang bằng phải lứa". Cũng như sự lạm phát cấp phó, "hàm" gia tăng đáng kể trong việc phong chức.

Chẳng hạn, trong một phát biểu tại hội nghị vào cuối năm 2017, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho hay, có vụ có tới 19 hàm vụ phó và có cả hàm trưởng phòng, phó phòng.

Vấn đề "hàm" cũng không có gì mới, không được giải quyết, bị nêu ra để chất vấn và treo lơ lửng cả 2 nhiệm kỳ Quốc hội mà chưa có một câu trả lời nào rõ ràng và cụ thể. Từ năm 2015, đã có hơn 300 trường hợp được phong "hàm" (tất nhiên, trừ các đối tượng được quy định trong Pháp lệnh hàm cấp ngoại giao) và người đại diện cho Bộ Nội vụ khi ấy đã giải thích "việc phong hàm không phải lách luật để tăng cấp phó, lãnh đạo" và "không phải là một sự ưu đãi mà là ghi nhận, đánh giá với những người có năng lực, cống hiến", tiếp tục "khi làm với lãnh đạo họ (những người được phong hàm) cần có vị thế nên việc phong hàm là cần thiết".

Chỉ cho đến hôm nay, khi Nghị quyết 18 TƯ khóa 6 đề ra yêu cầu: "Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm" thì có động thái nêu trên của Bộ Nội vụ nhưng dù chậm vẫn còn hơn là treo đó và cứ tiếp tục bổ nhiệm, phong hàm khi chẳng có một quy định pháp luật nào điều chỉnh cả.

Rất có thể "hàm" là "cần thiết" như đánh giá của một Thứ trưởng Bộ Nội vụ vào năm 2015 khi trả lời báo chí thì cần thiết hơn là phải có văn bản pháp luật điều chỉnh, nếu không, dù biện minh đến đâu cũng chỉ là một phương thức "lách luật" mà thôi. Ví dụ, mới đây, pháp luật quy định ngành Công an có 199 cấp tướng, cứ thế mà phong, chấm dứt việc tranh cãi ít hay nhiều, lạm phát hay cần thiết.