Khi lưu danh thành thói xấu

(PLO) - Mới đây, báo chí nước ngoài đưa tin Nhật Bản đang tìm danh tính người đã khắc tên mình lên một hòn đá cổ thuộc di tích trên đỉnh núi. Sự việc hòn đá cổ tại Nhật Bản bị du khách khắc chữ “A.Hào” cùng các hình vẽ nguệch ngoạc đã làm dư luận Nhật hết sức bức xúc. 
Hình ảnh hòn đá cổ ở Nhật Bản bị khắc chữ "A Hảo"
Hình ảnh hòn đá cổ ở Nhật Bản bị khắc chữ "A Hảo"

Cảnh sát Nhật hiện đang truy tìm người thực hiện hành vi này và nhiều người cho rằng đây là người Việt, bởi các kí tự giống ngôn ngữ Việt Nam được viết trên đó.

Không bàn đến dòng chữ nói trên có thật do người Việt Nam thực hiện hay không, nhưng sự việc có thực là rất nhiều người Việt thường có thói quen viết chữ, khắc tên, vẽ hình “lưu niệm” tại các di tích, danh thắng hay địa điểm công cộng.

Ở hầu hết các danh thắng có nhiều du khách tham quan, không ít lần người ta chứng kiến những dòng chữ xiên xẹo đề tên những người từng đến, hoặc các hình vẽ cho vui. 

Các tháp Chàm thuộc khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận là một trong những địa điểm có nhiều vết rạch “chảy máu” bởi những du khách thích “lưu danh” như thế. Trên nền gạch những bức tường cổ rêu phong mà thời gian không thể tàn phá, con người thản nhiên đề lên đó những bằng chữ viết bằng đá hết sức phản cảm: “Kỉ niệm ngày, tháng năm... đến đây” hoặc “A yêu B”...

Núi Bài Thơ thơ mộng đã có lần bị phá hoại bởi những người như thế, một nhóm thanh niên đã dùng viết lưu lại dấu ấn của mình một cách “hoành tráng” và đầy phản cảm. Tháp Bút, Văn Miếu, đá trên núi ở Tràng An (Ninh Bình), chùa cổ ở Trà Vinh, cột mốc quốc gia... đều không tránh khỏi là “nạn nhân” của những người thích ghi dấu. Thậm chí có nhóm bạn trẻ còn xoá chữ số ghi trên cột mốc địa giới, sửa lại thành cột mốc địa đầu vì không tới được địa đầu Tổ quốc nhưng vẫn muốn có ảnh sống ảo.

Không chỉ di tích, các địa điểm, vật dụng công cộng cũng bị tàn phá bởi những người vô tâm. Người ta khắc bậy lên gốc cây ven đường, vẽ lên ghế đá công viên, vẽ lên bàn nhà hàng, thậm chí biển hiệu kinh doanh cũng bị viết lên.

Đáng buồn là hầu hết những vết vạch, vẽ này đã tạo nên “vết thương” khó lành cho di tích. Đa số những người thực hiện hành vi đều mong muốn “lưu dấu” mãi mãi, thế nên, dao, vật nhọn, đá hay viết tẩy là dụng cụ thường xuyên. Để phục hồi lại nguyên trạng sau khi bị phá hoại là rất khó khăn, nhiều trường hợp là không thể.

Có một câu nói mà người du lịch quốc tế thường truyền tai nhau: khi đi du lịch, đừng đem gì về ngoài niềm hân hoan và đừng để lại gì ngoài những dấu chân. Nhưng nhiều du khách Việt Nam “xấu xí” thường làm ngược lại: đem về những “hiện vật” được bẻ, lấy trộm từ thiên nhiên, danh thắng và để lại rác cùng những tổn thương từ các vết rạch. Phải chăng đó là minh chứng của sự vô tâm đến ngốc nghếch của những suy nghĩ ích kỉ và hành vi thiếu văn minh?