'Lời đáp trả' đáng sợ

(PLO) - Trận lũ quét kinh hoàng ở Yên Bái vào sáng hôm qua đã biến thị trấn Mù Cang Chải thơ mộng thành bãi đất đá tan hoang... Những cơn lũ và sạt lở đất không còn là lời cảnh báo từ thiên nhiên nữa mà là câu trả lời đối với sự tàn phá thiên nhiên, làm mất đi sự cân bằng vốn có, sự điều tiết của tự nhiên. 
'Lời đáp trả' đáng sợ

Chỉ một trận lũ ở hai địa phương là Sơn La và Yên Bái đã gây tổn thất nặng nề cả về tài sản và tính mạng. Chính quyền địa phương đang ra sức khắc phục hậu quả, tìm nơi ăn, chốn ở cho bà con bị lũ cuốn mất nhà, hỗ trợ tiền bạc gia đình có người chết, tìm kiếm người mất tích, Chính phủ cử một đoàn công tác cứu trợ đến vùng tâm lũ,... 

Những trận lũ như thế này không có gì là bất ngờ. Trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về nguy cơ mưa lớn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và các biện pháp phòng ngừa. Từ xa hơn, người ta đã biết rõ những trận lũ ngày càng kinh hoàng bởi nạn phá rừng, làm thủy điện và biết chắc hậu quả sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, phòng chống không quyết liệt và tập trung như khắc phục nên hầu như năm nào cũng xảy ra thiệt hại người và của, mùa màng và đất đai, mức độ thiệt hại cứ tăng dần lên theo năm tháng. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, một trận lũ tràn qua Yên Bái và đẩy cơ man gỗ pơ-mu xẻ hộp ra khỏi rừng, trôi xuống miền hạ du, dân hai bên bờ sông Thao vớt được một khối lượng rất lớn như của trời cho. Sự việc này như một bằng chứng rõ ràng nhất về việc rừng Yên Bái bị “chảy máu” trầm trọng, gỗ vớt lên như những bộ xương khô của rừng tố cáo việc tàn phá không thương tiếc.

Những cư dân ở rừng cũng biết sự nguy hiểm của nước lũ và sạt lở đất nhưng họ không có cách gì để thoát được. Cách đây nửa tháng, vụ sạt lở đất ở thành phố Sơn La vào một nhà dân khiến hai mẹ con bị thương nặng, cháu bé bị cắt cả 2 chân. Chỉ đến lúc đó chính quyền mới hỗ trợ để hai nhà bên cạnh di dời khỏi nơi nguy hiểm. Hoặc, 2 ngày trước, hai bố con đi làm nương bị vùi trong đất lở đến nay vẫn chưa tìm thấy xác ở Mường Tè, Lai Châu. Những chuyện tương tự như vậy xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên, họ không có điều kiện để dời chỗ ở hay chọn đất canh tác ở nơi an toàn hơn.

Những cơn lũ và sạt lở đất không còn là lời cảnh báo từ thiên nhiên nữa mà là câu trả lời đối với sự tàn phá thiên nhiên, làm mất đi sự cân bằng vốn có, sự điều tiết của tự nhiên. Thế nhưng, người ta vẫn tiếp tục phá rừng, vẫn làm thủy điện trong rừng, vẫn tiến hành các dự án xây đập đầu nguồn tích nước dẫn về thành phố. Những hồ chứa trên đỉnh núi ấy thực sự là những túi bom nước khổng lồ, nó sẽ biến vùng hạ lưu thành khô hạn và tạo nên những trận hồng thủy khi xả nước. Hậu quả nhãn tiền, ai cũng thấy thế nhưng cứ quyết tâm làm bằng được.

Với ý chí ấy thì những trận lũ lịch sử của năm nay, sang năm sẽ lập kỷ lục mới, lại là lịch sử!