'Phá bĩnh' liêm chính

(PLO) - Liêm chính, thuật ngữ này đang được nhắc nhiều từ diễn đàn quốc hội đến tất tần tật các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Từ liêm chính trị, liêm chính tư pháp, liêm chính kinh tế cho đến… liêm chính trí tuệ. Nôm na dễ hiểu, liêm chính chính là sự ngay thẳng và trong sạch, chính vì thế nó liên quan đến nhân tố đạo đức, nhân cách và ứng xử của con người. Và khi thuật ngữ này được nhắc đến nhiều nghĩa là nó đang bắt đầu có biểu hiện rơi vào… khủng hoảng liêm chính.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liêm chính ở lĩnh vực nào thì do con người ở lĩnh vực đó tạo ra và chịu trách nhiệm. Ở đâu suy giảm liêm chính thì ở đó có sự suy thoái về đạo đức quản lý, ở đó có lợi ích nhóm, ở đó có chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Đáng quan ngại biểu hiện suy giảm liêm chính đa phần rơi vào lĩnh vực công. May mắn là Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức một cách đầy đủ điều này để nỗ lực xây dựng một chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính.

Đã là liêm chính thì phải gắn liền với minh bạch, mà một trong những thứ cần minh bạch nhất chính mà minh bạch thông tin. Cở sở của minh bạch thông tin lại gắn liền với trách nhiệm giải trình, gắn với việc tạo thuận lợi cho người dân, báo chí tiếp cận thông tin. Thông tin càng minh bạch thì sự liêm chính càng cao và niềm tin của nhân dân đương nhiên càng lớn. Đáng tiếc là khi Đảng, Chính phủ càng nỗ lực để xây dựng sự liêm chính, minh bạch thì đây đó lại có những hành động đi ngược lại điều này. Tệ hại hơn vụ việc đó lại diễn ra lúc mà Quốc hội đang họp và nhiều Đại biểu nói về sự… liêm chính.

Sự vụ tàu cá vỏ sắt ở Bình Định vừa ra khơi đã hỏng đang được dư luận quan tâm, và nó đã vào tận diễn đàn Quốc hội. Vậy nhưng giữa lúc đang bàn đến sự liêm chính thì tại Quảng Nam lại có hiện tượng cấm cửa báo chí khi Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vào làm việc với Quảng Nam về vụ tàu cá vỏ sắt này. Báo chí trong nước đã loan tin về vụ “cấm cửa” này.

Báo Người lao động Online viết: “Chiều 8/6, UBND tỉnh Bình Định có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về tình hình triển khai đóng mới và sử dụng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/CP… Theo kế hoạch, thành phần tham dự buổi làm việc, ngoài (NN - PTNT) các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi có ngư dân đóng tàu vỏ thép, UBND tỉnh Bình Định còn mời các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương đến dự, đưa tin.

Dù không có giấy mời nhưng do vấn đề tàu vỏ thép đang được dư luận đặc biệt quan tâm nên trước 14 giờ - bắt đầu buổi làm việc, nhiều phóng viên báo, đài của trung ương và địa phương đến cuộc họp xin được tham dự để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã từ chối đề nghị này. Không chỉ phóng viên không có giấy mời mà ngay cả những phóng viên đại diện các cơ quan báo, đài ở địa phương có giấy mời cũng không được tham dự. Nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc không cho báo chí tham dự là ý kiến của đoàn công tác Bộ NN-PTNT chứ không phải chính quyền địa phương…”.

Từ ví dụ này cho thấy sự liêm chính, gắn với kiến tạo và hành động của Chính phủ đang bị một số người, thậm chí là cán bộ công quyền, đại diện cho các bộ, ngành của Chính phủ cũng không nhận thức đầy đủ về chủ trương và kỳ vọng mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng. Đôi lúc sự nhận thức không đầy đủ ấy để có những việc làm đi ngược lại sự “liêm chính” như vụ tàu cá vỏ sắt ở Quảng Nam lại trở thành những “kẻ phá bĩnh” chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước gây dựng.

Không loại trừ tàu vỏ sắt vừa ra khơi đã hỏng là một vụ phá hoại, nhưng dù gì thì minh bạch thông tin cho nhân dân, cho báo giới là điều cần thiết cho một Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trên cơ sở của sự minh bạch. Bởi xét đến cùng, minh bạch thông tin là minh bạch xã hội. Mà điều này cần lắm cho hai chữ liêm chính mà chúng ta đang nói đến. Thay vì trách nhiệm giải trình lại cấm cả báo chí trong trường hợp này, đúng thời điểm này đúng là một hành động… không thể hiểu nổi!