Ông Phan Văn Vĩnh có nói dối và coi thường dư luận?

(PLO) - Bị cáo Phan Văn Vĩnh đưa ra lời giải thích rằng chiếc đồng hồ đắt tiền của mình do bán cây cảnh mà có. Lời khai của ông đang trở thành đề tài của cộng đồng khi họ cho rằng đó là chuyện hài hước và là một lời nói dối, che giấu sự thật về nguồn gốc số tiền mua đồng hồ trăm triệu. 
Lời khai bán cây cảnh mua đồng hồ tiền tỷ của bị cáo Vĩnh thành chuyện khôi hài
Lời khai bán cây cảnh mua đồng hồ tiền tỷ của bị cáo Vĩnh thành chuyện khôi hài

"Bị cáo có nhiều cây có giá trị cao, cao nhất khoảng 10 tỷ đồng”, ông Vĩnh khai tại tòa đồng thời cho biết mình chơi cây cảnh từ cách đây 30 năm.

Bị cáo Vĩnh nói mình không dùng lương để mua đồng hồ vì lương còn dùng để lo cuộc sống gia đình, vợ con. Tiền mua đồng hồ được ông lấy từ tiền bán cây cảnh.

Chắc chắn chẳng mấy ai tin lời ông Vĩnh, người đang bị tòa xét xử việc "bảo kê" cho tôi phạm đánh bạc qua mạng. Người ta cho rằng, đường dây thu lời hàng ngàn tỷ đồng thì một chiếc đồng hồ cỡ hơn 1 tỷ là con số quá nhỏ để đối tác đem lại cho ông.

Tại phiên tòa, bị cáo Dương đã khai rõ: “Trong quá trình duy trì Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) đã cho riêng Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1 chiếc đồng hồ nhãn hiệu Rolex trị giá 7.000 USD và 1,75 triệu USD tiền mặt. Còn Nguyễn Thanh Hóa được Dương cho riêng 22 tỷ đồng”.

Nguyễn Văn Dương khai khi game bài Rikvip mới hoạt động, mỗi tháng Dương biếu ông Phan Văn Vĩnh 2 tỉ đồng, sau đó nhiều tháng định kỳ là 200.000 USD, mang tới phòng làm việc.

Lời khai của ông Vĩnh đã biến thành một đề tài để dư luận đàm tiếu về một người đã lợi dụng quyền lực để bảo kê cho tội phạm, một người có vị trí cao trong xã hội nhưng bước qua ranh giới thực thi luật pháp để đồng lõa với tội phạm, là “lá chắn” cho hoạt động của đường dây tội phạm.

“92 bị cáo và 92 gia đình đã lâm vào vòng lao lý của pháp luật. Nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu công dân khác, gia đình khác ngoài xã hội cũng liên lụy vụ án này. Chắc chắn giờ này họ đã, đang liên lụy, rất nhiều đau khổ, xã hội bất an, Bị cáo hết sức thấm thía, ân hận”.

Lời nói hối hận của một cán bộ cấp cao ngành công an đã không còn sinh khí, lộ rõ sự tha hóa quyền lực dẫn tới bi kịch của nhiều người.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Quốc hội khi thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng cho rằng: “Cán bộ lại có những giải thích coi thường dư luận, coi thường dân như: “Bán chổi đót, đi nuôi heo mới có tiền xây biệt phủ”.

“Đây chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường dân. Nếu giải thích thế thì cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi. Là công bộc của nhân dân mà thái độ trả lời trước dư luận thế thì chắc nên cho nghỉ việc chứ không nên để tồn tại”, ông Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng nhận định cách lý giải "nhiều tiền là nhờ bán chổi, nuôi heo", chỉ cần nghe thì ai cũng bình luận rằng họ đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên.

"Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản “khủng” thì trả lời là do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Dư luận đâu có “mù” mà tin vào những giải thích như vậy. Cái mất lớn nhất là dư luận mất niềm tin".

Vậy, bây giờ trước tòa, bị cáo Vĩnh, một người đầy quyền lực đang dính vào lao lý lại có cách lý giải khôi hài về chiếc đồng hồ đắt tiền mà bị cáo Dương tặng là do “bán cây cảnh”.

Lời khai đó, cũng như lời nói ân hận chỉ biến ông thành một người “diễn kịch tồi” và sự tha hóa đang được phơi bày ra ánh sáng.