Rải đinh trên đường: Tội ác lớn nhưng trừng phạt nhẹ

(PLO) - Từ nhiều năm nay, tội phạm rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường (thường gọi chung là "đinh tặc") đang gây nhức nhối trong dư luận. Do đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa tội phạm rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ vào một điều luật mới. Đã có nhiều tại nạn giao thông gây chết người từ “đinh tặc”, nhưng việc xử lý vẫn rất nhẹ nhàng nên rất khó ngăn chặn.
hành vi rải đinh trên đường cần xử lý nặng và nghiêm
hành vi rải đinh trên đường cần xử lý nặng và nghiêm

Vào tháng 7/2011, TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) đã xử lưu động, tuyên phạt Phạm Văn Cảnh và Bùi Thị Nga (cùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa) tổng cộng 34 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 BLHS). Ngoài ra, hai bị cáo còn bị cấm hành nghề sửa xe trong ba năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Còn nhiều vụ khác mà những kẻ rải đinh cũng bị phạt tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, như vụ Nguyễn Thế Công đã bị TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phạt 18 tháng tù, Tống Duy Sơn (Thanh Hóa) bị phạt một năm tù...

Trong  Điều 261, Bộ Luật Hình sự thì Tội cản trở giao thông đường bộ được quy đinh như sau: “1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn…, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”

Điều đó có nghĩa rằng hành vi rải đinh trên đường gây cản trở giao thông, thiệt hại vật chất và con người sẽ bị xử lý hình sự. Nhưng cái mốc 5 đến 10 năm cho hành vi dẫn đến chết người, liệu có quá nhẹ nhàng?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết, tội phạm rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường là hành vi đã tồn tại trong xã hội nên đòi hỏi luật  phải điều chỉnh. Hành vi trên gây hư hỏng tài sản cho các phương tiện tham gia giao thông, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người thực hiện hành vi rải đinh cũng nhận thức được hành động của họ là làm hỏng lốp xe để sửa chữa phương tiện lấy tiền.

Cố ý về hành vi, nhưng lại vô ý về hậu quả gây ra cho người tham gia giao thông. Đây là hành vi nguy hiểm mới của xã hội nên Bộ luật Hình sự phải điều chỉnh cho phù hợp để ngăn chặn, răn đe đối với tội phạm này. Do vậy, phạt "đinh tặc" tới 10 năm tù là xứng đáng”.

Biết rõ sự nguy hiểm hành vi của mình có thể dẫn tới chết người, nhưng các “đinh tặc”  vì miếng cơm manh áo, được chủ các cơ sở vá xe thuê nên nhiều người đã làm việc nguy hại đến người khác.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Thành Phố cho rằng: “Theo tôi cần phải xử lý nghiêm và tăng khung hình phạt đối với loại tội phạm này. Không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra mới xử lý hình sự mà nếu có hành vi rải đinh đều phải nghiêm minh xử lý. Đối với loại tội phạm này khung hình phạt phải tương đương hành vi cố ý gây thương hay hành vi vô ý làm chết người...”

Cùng với tội rải đinh, ăn cắp ốc vít ở cầu, trộm dây điện, nắp cống,..là những thứ tệ nạn nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng ở ta vẫn coi là chuyện “vặt vãnh”, trộm cắp vặt.

Nhiều người tham gia giao thông bị thủng lốp, rơi xuống cống, dẫn đến chết người hay bị thương nặng thì quan niệm vẫn là “do số”, nên cũng không biết kiện ai, bắt ai. Điều đó dẫn tới bọn “đinh tặc” tung hoành, làm càn, trong khi lực lượng chức năng lại quá mỏng, không thể lúc nào cũng tuần tra được.

Thiết nghĩ, phải xử lý nặng, phạt nặng hạn chế được hành vi xấu xa này.

Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ

1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”