“Sự kiện Hà Giang” và dư chấn... có hậu

(PLO) - Những ngày qua trên khắp mặt báo và mạng xã hội, câu chuyện chấm thi ở Hà Giang trở thành “sự kiện”. 
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. (Ảnh: Bộ Công an)
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. (Ảnh: Bộ Công an)

Nóng không thể nóng hơn. Có người nói vui: với việc làm sai lệch điểm chấm thi, Hà Giang trở thành một “thương hiệu” cả thế giới biết đến, có tác dụng như mọi việc làm PR khác lâu nay về địa phương này. Bằng chứng là vào Google gõ cụm chữ “Hà Giang quê hương tôi” trong 0,48 giây có 42.700.000 kết quả còn “Chấm thi Hà Giang” trong 0,34 giây cũng có khoảng 33.600.000 kết quả.

Sau Hà Giang, như một “Hội chứng Domino”, nhiều địa phương khác đã xuất hiện “Hội chứng Hà Giang”.  Người ta có quyền đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu địa phương chưa “bị lộ”?

Bỗng dưng muốn khóc.

Mọi việc sẽ được làm rõ, bởi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo giải quyết.

Rồi đây những người có trách nhiệm sẽ bị xử lý, những thí sinh “trượt tốt nghiệp bất ngờ trở thành thủ khoa” phải trả lại cơ hội công bằng mà người lớn đã ngang nhiên “cướp đoạt” cho các thí sinh khác.

Có điều, “đau xót”!

Đằng sau câu chuyện “sửa điểm” ở Hà Giang đang đặt ra vấn đề gì? Nó chứng tỏ vấn đề “khủng hoảng giáo dục” còn nguyên đó, mặc dù trên nghị trường Quốc hội hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác đã bàn, “tư lệnh giáo dục” khóa này sang khóa khác đã làm? Và nữa, sâu xa là gì? Hành vi “sửa điểm” ấy là chuyện của ngành Giáo dục, hay là một dạng “văn hóa quyền lực”, “văn hóa bằng cấp” của đại chúng? 

Không nói thì ai cũng biết, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đang được nhận diện là một sự kiện xã hội thường niên tốn kém hàng đầu về cả thời gian, tiền bạc, và sức lực của quốc gia. Nhưng, điều mà nó mang lại là gì?

Hiện nay, mỗi một năm học, học sinh đều phải trải qua 2 kỳ thi học kỳ, cùng với các mức độ kiểm tra từ ngắn (15 phút) đến dài (45 phút) cho từng môn học. Cơ chế này, về lý thuyết, chặt chẽ hơn rất nhiều so với các trường THCS tại Mỹ, một nền giáo dục mà mọi gia đình có điều kiện tại Việt Nam đều mơ ước cho con em mình theo học.

Vâng, nền giáo dục Mỹ là một trong các tiêu chí trong khái niệm đầy đủ của Lê-nin năm 1918 về chủ nghĩa cộng sản, tiếc là ít người được biết đến.

Thi tốt nghiệp THPT đã trở thành “2 trong 1”, được tích hợp kết quả để dùng xác định đầu vào của các trường đại học. Đối với thí sinh, việc thi chung tốt nghiệp với tất cả các nguyện vọng một lần sẽ khiến họ có cơ may đỗ đại học, không trường này thì trường khác trong một lần thi. Bởi, họ có thể đăng ký trường mình thực sự muốn và trường mình có thể đỗ. 

Tuy nhiên, nảy sinh bất hợp lý khác. Nó tước đi cơ hội của các trường đại học trong việc tuyển dụng đúng những con người thực sự có mong muốn được đào tạo. Các trường đại học không có cơ hội để xây dựng bộ đề thi phù hợp với đặc thù, mong muốn riêng của mình.

Điều này, phải chăng cùng với các nguyên nhân về chất lượng đào tạo tại các trường đại học “thoát ly” thực tế, đào tạo không do cuộc sống “đặt hàng” nên nhân lực cọc cạch: sinh viên tốt nghiệp, công chức nhiều bằng nhưng không làm được gì?

Vâng, sẽ mổ xẻ, cần mổ xẻ “sự kiện Hà Giang” để thấy mặt tích cực của nó!

(* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)