Tá hỏa vì lời giải thích của Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội

(PLO) - Trước nhiều ý kiến thắc mắc tại sao lại trao tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội Khuất Văn Thành cho rằng, các bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện thuộc lý do bất khả kháng nên được hỗ trợ đúng theo quy định... Nghe cách lý giải này người ta tá hỏa, hoang mang, lẽ nào việc hút chích ma túy là hành vi bất khả kháng? Bất khả kháng là gì?.
Hình ảnh tại lễ hội âm nhạc tối 16/9 tại công viên nước hồ Tâ
Hình ảnh tại lễ hội âm nhạc tối 16/9 tại công viên nước hồ Tâ

Một lễ hội ở đó xảy ra “tai nạn” làm chết 7 người, 5 người cấp cứu vì dùng ma túy quá liều rõ ràng là một vụ án cần được khởi tố điều tra, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy phải bị xử lý ít nhất là về vi phạm hành chính.

Thế nhưng, sự việc chưa được điều tra thì một đoàn từ lãnh đạo UBND TP đến giám đốc Sở đến tận giường bệnh thăm bệnh nhân sốc ma túy. Ma túy không thể theo gió theo mây thấm vào người ta đến mức phải ngộ độc, người sử dụng phải có hành vi chủ động mới đưa ma túy thấm sâu vào cơ thể.

“Bất khả kháng”?

Hút chích ma túy quá liều được cho là “trường hợp bất khả kháng”, việc thăm con nghiện, động viên các y bác sĩ điều trị được lý giải là không kỳ thị, nhân đạo với người nghiện. Vậy còn với hàng trăm hàng ngàn người bình thường khác bị vây ráp, bắt giữ khám xét, test ma túy ở các tụ điểm vui chơi giải trí khác có được thưởng tiền, được lãnh đạo thăm hỏi như trường hợp này không?.

Trước đó, tối 16/9 tại Công viên nước Hồ Tây, 7 người đã tử vong, 5 người khác được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê khi dự Lễ hội âm nhạc điện tử “Trip to the Moon”, qua xét nghiệm nhanh tất cả đều dương tính với ma túy ở mức hàm lượng cao. Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, kết quả test nhanh cho thấy các bệnh nhân dương tính với ma túy đá, cần sa và thuốc lắc.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị hai bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cũng cho thấy cả hai dương tính với ma túy tổng hợp và ma túy đá. Số người chết và ngộ độc quá lớn cho thấy đây có thể là vụ án nghiêm trọng cần đươc khẩn trương nghiêm khắc điều tra.  .

Việc cần làm thì chưa thấy nhưng bất ngờ dư luận tỏ ra không hài lòng khi được thông tin lãnh đạo TP Hà Nội đi thăm và trao phong bì cho những thanh niên ngộ độc ma túy, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, ông Khuất Văn Thành cho biết, ông có đi cùng đoàn của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tới thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai và Viện E vào chiều ngày 17/9, cùng đi còn có ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội.

Sau khi tới thăm hỏi, động viên các bác sĩ cứu chữa tốt cho các bệnh nhân, không để có thêm người tử vong, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý có đi thăm 5 bệnh nhân để nắm tình hình.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc tại sao lại trao tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân, ông Thành cho rằng, các bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện thuộc lý do bất khả kháng nên được hỗ trợ đúng theo quy định. Ông Thành nói: “Khoản 1, Điều 13, Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định: Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng.”

Nghe cách lý giải này người ta tá hỏa, hoang mang, lẽ nào việc hút chích ma túy là hành vi bất khả kháng? Bất khả kháng là gì? Theo quy định tại Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. 

Từ định nghĩa này có thể hiểu đơn giản, bất khả kháng là sự kiện mà các bên không thể lường trước được, tức là nằm ngoài khả năng tính toán của các bên.Ma túy không thể theo gió theo mây thấm vào người ta đến mức phải ngộ độc, người sử dụng phải có hành vi chủ động mới đưa ma túy thấm sâu vào cơ thể.

Đối chiếu quy định pháp luật này với việc nhiễm độc quá cao, nói chính xác là dùng ma túy quá liều thì bảo đây là sự kiện bất khả kháng thật quá sức khiên cưỡng, kẻ cướp của giết người cũng có thể vin vào lập luận này để bào chữa cho mình là giết người cướp của vì bất khả kháng.

Không phạm pháp hình sự cũng vi phạm hành chính

Luật pháp gọi tên hành vi hút chích ma túy như thế nào? Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay theo Bộ luật Hình sự 1999, người sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm. Ngoài ra, người góp tiền để mua ma túy sử dụng chung hoặc bỏ tiền mua hàng cấm cho những người khác sử dụng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cá nhân sử dụng trái phép các chất ma túy theo pháp luật hình sự hiện hành, không còn bị coi là tội phạm. Theo luật sư Thơm, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo luật mới, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167 ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với người sử dụng ma túy, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Như vậy theo luật, cá nhân sử dụng trái phép chất ma túy đã phạm ít nhất quy định hành chính, nếu họ có mua bán, tàng trữ thì chắc chắn sẽ phạm tội hình sự. Không thể xem đây là hành vi bất khả kháng. Ở đây nếu nhầm lẫn mà khu xử sai thì năng lực và nhận thức của những người giải thích là bất khả kháng thực sự hạn chế so với yêu cầu vai trò trách nhiệm.

Nhân đạo, động viên chỉ với 5 người

Trả lời báo chí mới đây, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người trực tiếp đến thăm các nạn nhân bị sốc ma túy trong Lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây càng làm người nghe phản ứng. Theo ông Quý, quan điểm chung của toàn xã hội cũng như văn bản quy định của Chính phủ là không bỏ rơi những người vào con đường nghiện ngập, để làm sao kéo họ lại với xã hội.

Chính vì vậy, chiều 17/9, ông đã cùng các cán bộ Sở Y tế và Lao động Thương binh và Xã hội đến bệnh viện thăm và động viên các nạn nhân. “TP Hà Nội đến thăm, động viên các bác sỹ để làm sao cứu chữa giảm thiểu tối đa các trường hợp thiệt mạng mà các cháu ở đây tuổi còn rất trẻ” - ông Quý cho hay. 

Có người nói không nên có hành động kỳ thị với người nghiện. Việc thăm viếng, tặng quà là nhân đạo. Những lập luận ấy có thể chấp nhận được nếu sự nhân đạo, tôn trọng người nghiện được thể hiện bằng chính sách chung cho tất cả người nghiện hay những người nghi bị nghiện.

Thực tế hiện nay, hàng chục ngàn người nghiện đang bị tập trung cai nghiện bắt buộc trong các trung tâm, vì sao họ không được hưởng các chính sách động viên như những thanh niên bị sốc ma túy trong trường hợp này. Họ cũng có quyền xin được hỗ trợ trong trường hợp bất khả kháng với mức cao nhất là 2.700.000 đồng. Liệu họ có được ưu ái, được lãnh đạo chính quyền đi thăm, trao phong bì không?

Nếu lãnh đạo TP Hà Nội không đến bệnh viện thăm 5 thanh niên bị sốc ma túy mà đến thăm một trại cai nghiện nào đó, không nhất thiết trao phong bì mà chỉ cần đối thoại trò chuyện với các em như cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng làm chắc hẳn dư luận không thắc mắc mà còn hoan nghênh.

Thực tế cho thấy cơ quan chức năng thường xuyên mở đợt truy quét bao vây, khám xét tất cả mọi người trong các tụ điểm vui chơi giải trí. Toàn bộ thanh niên đang vui chơi bị tạm giữ, test ma túy như là tội phạm. Vì sao nguyên tắc nhân đạo, không kỳ thị không được xem xét trong các vụ này?

May mắn là ở tầm cao hơn đã nhìn đúng vấn đề, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về tổ chức lễ hội âm nhạc nêu trên, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9.