Thừa Thiên - Huế: Dân dài cổ chờ đền bù

(PLO) - Dự án hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia nằm trên tuyến QL1 đi qua huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) được Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT triển khai thi công, để thi công các hạng mục của dự án buộc người dân phải nhường đất cho dự án thế nhưng đến nay, người dân vẫn “mỏi cổ” chờ đền bù.
Nhiều diện tích ruộng lúa của người dân ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng không thể sản xuất vì bị bồi lấp.
Nhiều diện tích ruộng lúa của người dân ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng không thể sản xuất vì bị bồi lấp.

Có ruộng nhưng không thể sản xuất

Năm 2014, từ khi dự án hai hầm Phước Tượng và Phú Gia được triển khai thi công và để thực hiện đường dẫn vào hầm Phước Tượng dài hơn 2km, nhiều hộ dân tại  Trung Phước Tượng, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc được đền bù nhiều thửa ruộng để mở một con đường hoàn toàn mới. Thế nhưng, từ khi có con đường mới đó, nhiều hộ dân không thể sản xuất trên chính ruộng của mình bởi nhiều diện tích ruộng lúa nằm hai bên con đường không thuộc diện đền bù, thu hồi lại rơi vào tình trạng bị khô hạn, ngập úng.

Cũng kể từ khi có con đường mới, dọc hai bên con đường dẫn vào hầm Phước Tượng, rất nhiều thửa ruộng của người dân bị đất đá, vật liệu thi công của công trình này lấp đầy khiến cho người dân không thể trồng trọt sản xuất được.

Chia sẻ về những bức xúc đó, ông Nguyễn Thương (trú tại thôn Trung Phước Tượng) cho biết, gia đình ông 5 thửa ruộng với diện tích trên 8.000 m2 nhưng đã 3 vụ lúa liên tiếp gia đình tôi không thể trồng lúa được vì dự án thi công dẫn đến các thửa ruộng rơi vào tình trạng ngập úng, khô hạn, nhiều thửa ruộng bị đất đá lấp đầy. Gia đình tôi chỉ có khu vực ruộng này để sinh sống nhưng suốt nhiều vụ mùa vừa qua không sản xuất được. Trước đây, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành thống kê, áp giá đền bù cho gia đình tôi trên 25 triệu đồng nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy chi trả.

Không chỉ riêng hộ gia ông Thương mà tại thôn Trung Phước Tượng có hàng chục hộ dân rơi vào hoàn cảnh có đất ruộng nhưng không thể sản xuất. Đây là khu vực trồng lúa từ bao đời nay của người dân, cuộc sống của họ gắn liền với ruộng lúa, thế nhưng giờ đây nhiều diện tích ruộng bị “biến dạng”, khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.

Theo ông Cái Trọng Như - Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, khi dự án đang triển khai thi công, UBND xã Lộc Trì đã nhiều lần cùng với chủ đầu tư tiến hành kiểm tra thực trạng ảnh hưởng của người dân. Vào tháng 4/2016, chủ đầu tư là Công ty CP Phước Tượng – Phú Gia BOT đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương phê duyệt giá trị thiệt hại để tiến hành chi trả đền bù. Theo số liệu thống kê thì xã Lộc Trì có 47 hộ dân có ruộng nhưng không thể sản xuất vào 3 vụ năm 2015 và 2016 với số tiền cần đền bù trên 248 triệu đồng. Cách đây hơn 3 tháng, chúng tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên các phòng chức năng của huyện để phê duyệt, đề nghị chủ đầu tư chi trả cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đang chờ thẩm định

Từ lúc con đường mới được thi công thì hơn 8 ha ruộng lúa nằm 2 bên con đường bị khô hạn hoặc ngập nước, người dân thất thu trong nhiều vụ mùa. Nguyên nhân là do khi triển khai thi công, các hệ thống cống nước nhà đầu tư bố trí chưa hợp lý, cao hơn so với mặt bằng ruộng hoặc không nằm ở nơi thoát nước của cánh đồng nên xảy ra tình trạng khô hạn hoặc ngập úng.

Theo ông Như, sau khi nắm bắt tình hình người dân không thể sản xuất trên các thửa ruộng đó, xã đã kiến nghị và chủ đầu tư đã tiến hành điều chỉnh cống, hiện chỉ còn một vài diện tích nhỏ không thể sản xuất. Đây là khu vực ruộng không bằng phẳng, nơi cao chỗ thấp nên chúng tôi hướng người dân chuyển đổi một số loại cây trồng cho phù hợp.

Trao đổi về việc để người dân chờ đợi đền bù, ông Trương Công Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc cho hay, phía Trung tâm đã nhận đầy đủ hồ sơ do UBND xã Lộc Trì gửi lên. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương đền bù và thu hồi. Tuy nhiên, việc thống kê triển khai chậm là để rõ ràng, chính xác người bị thiệt hại, tránh kiện tụng. Hiện, đang chờ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc thẩm định về đất tại khu vực thu hồi đất ruộng để giải quyết cùng lúc. 

Theo một số người dân trong thôn thì trước đây, cánh đồng này có hệ thống kênh mương của HTX Song Hà bố trí khá nhiều, khoảng 50m có khoảng 8 đường mương dẫn và tiêu nước từ đồng ruộng ra vào đầm phá. Từ khi thi công tuyến đường dẫn, đã làm đất đá lấp cống, thay đổi hệ thống kênh mương, làm nguồn nước ứ đọng gây ngập úng, có nơi nước không vào được dẫn đến ruộng khô hạn.