Vụ hơn 100 cán bộ không đạt chuẩn tại Sóc Trăng: Cơ bản đã khắc phục xong những hạn chế, tồn tại

(PLO) - Vừa qua, kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ xác định, có hơn 100 cán bộ ở Sóc Trăng được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhưng không đạt chuẩn. Ngay sau đó, Sóc Trăng đã khẩn trương tiến hành khắc phục những hạn chế, tồn tại như kết luận. Đến thời điểm này, nhiều vấn đề đã được giải quyết.
Vụ hơn 100 cán bộ không đạt chuẩn tại Sóc Trăng: Cơ bản đã khắc phục xong  những hạn chế, tồn tại

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế nhất định về công tác cán bộ. Toàn tỉnh còn 108 trường hợp cán bộ không đạt chuẩn (thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn); đãi ngộ 2 trường hợp không phải là cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thành biên chế chính thức; UBND thị xã Vĩnh Châu xét chuyển 4 cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện không đúng quy định; một số trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa thực hiện đầy đủ; còn 3 cơ quan, đơn vị thực hiện số lượng cấp phó vượt so với quy định.

Thanh tra Bộ Nội vụ yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm điểm, xác định trách nhiệm xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan dẫn đến sai sót này. Đồng thời, rà soát và cử công chức còn thiếu các tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học… đi đào tạo, bồi dưỡng và bắt buộc hoàn thành trong thời gian nhất định. Nếu không đạt, phải xem xét miễn nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và hủy ngạch công chức…

Trao đổi với PLVN, ông Lê Trọng Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng xác định, việc 108 trường hợp cán bộ không đạt một hoặc một số tiêu chuẩn như quy định trên địa bàn tỉnh là có thật. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều đảm bảo về trình độ chuyên môn. Không có cán bộ nào thiếu chuyên môn. Những tiêu chuẩn mà những cán bộ này thiếu đa phần là ngoại ngữ, tin học…

UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu cho UBND để có biện pháp xử lý phù hợp đối với những kiến nghị của Đoàn Thanh tra. “Trước thời điểm có kết luận, tỉnh đã tiến hành xử lý một số trường hợp vi phạm. Đối với 2 trường hợp được đãi ngộ được xem là biên chế chính thức sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và 4 trường hợp xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi sáu quyết định bổ nhiệm trước đó”, ông Sơn cho biết.

Giám đốc Sở Nội vụ Sóc Trăng cũng lý giải nguyên nhân của những thiếu sót trên. Đó là, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 31%. Vì vậy, việc tổ chức công tác cán bộ của địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, lý luận chính trị còn gặp khó khăn về kinh phí, chỉ tiêu phân bố nên khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khi bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, bổ nhiệm ngạch công chức. 

Giải thích về việc cán bộ không đạt chuẩn, ông Lương Giang Toàn, Trưởng phòng Công chức - Viên chức, Sở Nội vụ Sóc Trăng cho biết, một số cán bộ được bổ nhiệm ngạch khi còn làm công tác bên Đảng. Thời điểm đó, bên Đảng khi thi chưa bắt buộc tiêu chuẩn về quản lý nhà nước (chỉ có xác nhận đủ điều kiện trong thời gian công tác). Khi chuyển sang cơ quan nhà nước thì bổ nhiệm chức vụ tương đương ngang cấp. Ví dụ như Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thì được bổ nhiệm làm Giám đốc một Sở nào đó. Khi bổ nhiệm như vậy lại thiếu một hoặc một số chuẩn về quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học.

Về vấn đề dư một Phó Chánh Văn phòng, theo ông Toàn thì khi thành lập Ban Tiếp công dân thì phát sinh thêm 1 người vì theo quy định Ban Tiếp công dân phải do Phó Chánh Văn phòng làm Trưởng ban. Nếu 1 Phó Chánh Văn phòng kiêm Trưởng ban Tiếp công dân thì không giải quyết được công việc văn phòng. Còn việc thừa 2 Phó trưởng phòng ở Sở Xây dựng và Sở Tài chính là do gộp 2 phòng thành 1. Đến thời điểm hiện tại đã được sắp xếp và ổn định đúng như quy định.

Tình hình chung hiện nay, do tinh giản biên chế quá nhiều nên công việc của các cán bộ, công chức ngày càng nặng hơn, những cán bộ không đủ điều kiện mong muốn đi học để đạt chuẩn cũng khó. “Vì nếu đồng loạt đi học sẽ ảnh hưởng đến công việc cơ quan nên chỉ có thể học luân phiên”- ông Toàn nói. Bên cạnh đó, các kỳ thi chuyên viên lên chuyên viên chính không cần có bằng ngoại ngữ, chỉ cần xác nhận thành thạo ngoại ngữ, tin học là được đi thi. 

Do đặc thù Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc Khmer, tiếng Khmer cũng được xem như một ngoại ngữ nên những cán bộ có chứng nhận đã học tiếng Khmer cũng có thể thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ như quy định. Ngoài ra, việc thiếu các tiêu chuẩn cán bộ còn do một số nguyên nhân: có những cán bộ sắp về hưu nhường suất học lại cho cán bộ trẻ, những trường hợp học đã lâu nhưng bị mất… “Đó là những nguyên nhân không đáp ứng được tiêu chuẩn bổ nhiệm như kết luận Thanh tra Bộ Nội vụ đã nêu”, ông Toàn cho biết.

Theo ông Lê Trọng Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp như trong kết luận Thanh tra. Đối với những trường hợp thiếu các tiêu chuẩn, chứng chỉ, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức và đưa cán bộ đi học để đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định.