Bi kịch những đứa trẻ được thú hoang nuôi dưỡng

(PLO) -Để ru các con ngủ vào mỗi tối, bà nội trợ người Anh Marina Chapman thường kể những câu chuyện về những đứa trẻ sống với thú hoang trong rừng già, như thể những câu chuyện ấy chỉ là truyền thuyết, truyện cổ tích, nhưng đâu ai biết rằng câu chuyện ấy cũng chính là câu chuyện dựa trên cuộc đời bà. 

Hồi mới chỉ 5 tuổi, bà Chapman bị bắt cóc bởi bọn buôn người và  chúng bỏ rơi bà trong rừng già Columbia. 

Sống hoang dã cùng bầy khỉ

Suốt 5 năm bà đã sống một cuộc sống hoang dã với bầy khỉ. Những chú khỉ này dậy Chapman cách bắt chim, thỏ bằng tay không để có thức ăn. Bà cũng sống nhờ ăn hoa quả, chuối và rễ cây do lũ khỉ mang về nuôi, ngủ trong những cái lỗ trên cây và cũng biết chuyền cành bằng cả 4 chi như gia đình khỉ đã nuôi dưỡng. Bà sống với bầy khỉ cho đến khi được một nhóm thợ săn phát hiện.

Tuy nhiên, đau khổ vẫn lại tiếp tục đeo bám cuộc đời khi bà bị bán cho một nhà chứa ở thành phố Cucuta (Colombia). Một thời gian sau, bà trốn thoát khỏi nhà chứa và bắt đầu cuộc sống lang thang, vạ vật trên đường và bắt đầu học cách tái hòa nhập với cuộc sống của con người. Cuối cùng, bà may mắn được một gia đình tử tế người Colombia nhận làm hầu gái ở tuổi thiếu niên. 

Bà Marina Chapman đã từng sống chung với bầy khỉ suốt 5 năm
Bà Marina Chapman đã từng sống chung với bầy khỉ suốt 5 năm

Đến năm ngoài 20 tuổi, bà theo một gia đình người Colombia khác đến sống tại Bradford và may mắn gặp ông John Chapman, một nhà vi khuẩn học, hơn bà vài tuổi tại nhà thờ. Họ kết hôn vào năm 1977 và giờ đây có hai cô con gái. Sau này, bà đã quyết định tiết lộ câu chuyện này với mục đích giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự kinh hoàng của nạn buôn người ở Nam Mỹ.

Chơi và ngủ cùng dê

Vào tháng 6/2012, các nhân viên xã hội ở Nga đã phát hiện một đứa trẻ mới chập chững biết đi có tên là Sasha T, bị người mẹ Marina 40 tuổi, ở trong khu vực Rostov nhốt trong phòng cùng với một con dê. Nơi ở của Sasha bẩn thỉu và hôi hám quá sức tưởng tượng.

Các nhân viên xã hội đã phải nhanh chóng đưa cậu bé ra khỏi đó và đưa tới bệnh viện. Vì bị nhốt trong phòng quá lâu với dê, nên cậu bé chỉ biết chơi, ngủ và uống sữa dê. Sasha T cũng không biết cách học nói, ăn hay đi tắm. Khi cậu được cứu thoát thì người mẹ cũng bỏ trốn. 

Cậu bé Sasha T bị mẹ nhốt trong phòng cùng với dê
 Cậu bé Sasha T bị mẹ nhốt trong phòng cùng với dê

Các bác sĩ cho biết vì hoàn cảnh sống như vậy nên não của cậu bé không phát triển bình thường, chất dinh dưỡng không đủ nên cậu chỉ nhỏ bằng 1/3 so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Các bác sĩ đã cố gắng giúp cậu bé thích nghi với cuộc sống con người, nhưng việc này khá khó khăn.

Bác sĩ nhi khoa Natalya Simonina cho biết, “Cậu bé không chịu ngủ trong cũi, mà chỉ đòi nằm dưới sàn nhà. Không những thế cậu bé còn rất sợ người lớn”. Ngoài ra, Sasha có cố gắng đập phá mọi thứ cậu nhìn thấy. Cậu bé cũng không thể nói hay cầm một chiếc thìa, không biết làm thế nào với những món đồ chơi, cũng như không tìm cách để chơi với chúng”.

Được tìm thấy từ đàn sói

Nổi tiếng nhất từ trước tới giờ là trường hợp của hai chị em Kamala và Amala. Hai chị em được phát hiện vào năm 1920 ở khu rừng  Godamuri, Ấn Độ, lúc ấy người chị 8 tuổi còn em gái mới khoảng 3 tuổi sống cùng với sói mẹ và một đàn sói con. Người phát hiện ra hai chị em là Đức cha J. L. Singh và ông đã đưa hai chị em về trại trẻ mồ côi để hòa nhập dần với cuộc sống con người. 

Sau khoảng một năm tại một trại trẻ mồ côi, Amala qua đời. Khi mất, cô bé đã biểu lộ các dấu hiệu đầu tiên của cảm xúc con người. Còn em gái Kamala sau đó trở nên thân thiện hơn, dần học được cách đứng thẳng, từ bỏ thói quen ăn bẩn và sử dụng được khoảng 50 từ. Song, cuối cùng tới năm 1929, cô bé này cũng qua đời vì chứng bệnh suy thận. 

Răng của hai chị em cũng biến dạng giống như sói với hai răng nanh dài, sắc và nhọn kỳ lạ, khác hẳn với loài người. Đặc biệt, cả hai thích sống về đêm, có khứu giác và thính giác cực nhạy cùng đôi mắt phát sáng và nhìn rõ trong bóng tối và thường xuyên có hành động hú lên như loài sói.

Trong nhật ký mà Đức cha J. L. Singh ghi chép lại, Kamala và Amala có những hành động biểu hiện rất lạ giống hệt loài sói. Hai em không chịu mặc quần áo, không ăn rau, thức ăn chín và luôn đi bằng bốn chân đến mức cơ thể hình thành những vết chai sạn dày ở lòng bàn tay và đầu gối. Kamala và Amala thích ăn thịt sống, có thể đánh hơi mùi thịt sống ở khoảng cách xa.

Cậu bé lớn lên trong chuồng gà

Sujit Kumar sống cùng gà trong suốt thời thơ ấu
Sujit Kumar sống cùng gà trong suốt thời thơ ấu

Dù bây giờ đã hơn 30 tuổi, nhưng Sujit Kumar vẫn không khác gì một đứa trẻ con trong hình hài một người đàn ông lớn tuổi. Cho đến bây giờ Kumar vẫn chưa thể cư xử giống như một người Fiji bình thường. Nguyên nhân là bởi anh bị cha mẹ nhốt vào chuồng gà trong suốt thời thơ ấu. Vì sống quá lâu trong chuồng gà hơn là với con người, đến nỗi anh cũng biến thành một trong số chúng và rồi cha mẹ anh chỉ đơn giản là đến để cho anh ăn và dùng vòi phun nước từ trên xuống để tắm cho anh. 

Nhưng thật không may, chẳng bao lâu sau đó bố của Kumar bị sát hại và mẹ của em cũng tự tử theo. Ông bà của Kumar đến đón anh về sống cùng, nhưng khi đó dường như Kumar đã xuất hiện những triệu chứng rối loạn thần kinh và ông bà anh buộc phải hốt Kumar trong một cái chuồng gà vì họ không thể nào quản lý được anh. 

Năm 1998, Kumar lúc này 12 tuổi được bà Elizabeth Clayton, một nữ doanh nhân người Úc khi đi leo núi ở Roger Buick phát hiện ra và đưa anh về chăm sóc ở một trung tâm nhân đạo. Bà nói rằng lần đầu tiên gặp Kumar ăn bằng cách mổ xuống đất và dùng tay bới đất giống như gà và sẽ tấn công người khác bằng cách mổ vào họ. Cậu bé không thể sinh hoạt như người bình thường mà bị ảnh hưởng nặng bởi tập tính của loài gà. 

Những ngày đầu sau khi được cứu, cậu thường nhảy xung quanh, dùng miệng mổ thức ăn trên mặt đất và không nói năng mà chỉ kêu tiếng “cục cục” giống như những chú gà.Thậm chí, người ta buộc cậu vào giường nhưng Kumar luôn tìm cách ngủ dưới sàn chứ nhất quyết không chịu lên giường.

Một trong số những người chăm sóc cho Kumar là anh Drauna Matavesi ở trung tâm nhân đạo nói rằng, “Trong suốt thời gian ở đây và giờ đã hơn 30 tuổi nhưng Kumar không biết làm gì cả. Cho tới tận bây giờ anh ấy cũng chưa thể đứng hay đi bộ làm sao cho giống như người bình thường, tay của anh ấy không bao giờ duỗi thẳng mà lúc nào cũng quặp lại nhưng cánh gà vậy”. 

Không biết mình là người

Trường hợp của cô bé Oxana Malaya cũng khiến nhiều người phải đau lòng. Cô được người ta tìm thấy vào năm 1991 khi sống và lớn lên cùng với chó. Được biết, khi Malaya 3 tuổi, cha mẹ nghiện rượu nặng của cô đã tàn nhẫn đuổi cô ra khỏi nhà, khiến một cô bé con mới chỉ 3 tuổi như cô phải chịu cái rét thấu xương ở ngoài đường.

Lúc đó một cô bé quá bé nhỏ và không hiểu biết gì về cuộc sống và vì để giữ ấm cho bản thân nên đã bò đi khắp nơi và chui vào một ngôi nhà chó để trú ẩn, nhưng cũng kể từ đó không ai còn nhìn thấy cô nữa.

Oxana Malaya có hành vi giống như loài chó
 Oxana Malaya có hành vi giống như loài chó

5 năm sau đó, người ta mới tìm thấy Malaya, lúc đó cô bé chỉ mang hình dạng là con người nhưng toàn bộ hành vi và thói quen lại là của chó. Malaya dưới sự giáo dục của ‘mẹ chó’ đã học cách ăn thịt sống, đào đất, hoàn toàn không nói được ngôn ngữ của con người, thậm chí cũng không biết đứng bằng 2 chân. Cô bé chỉ biết dùng 4 chân trên mặt đất bò và sủa, giống hệt như một con chó thực thụ.

Sau đó, Malaya đã được đưa tới một viện “điều dưỡng tinh thần trẻ em” đặc biệt và tiếp nhận phương pháp trị liệu tại đây. Malaya đã bắt đầu biết được làm thế nào để đứng và bước đi, biết làm thế nào để sử dụng cả hai tay để ăn, sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với những người khác.

Từng ngày trôi qua, Malaya giờ đây cũng đã hơn 30 tuổi, sau nhiều năm trải qua điều trị giờ cô đã khá hơn rất nhiều. Malaya hiện đang sống tại một bệnh viện ở Odessa, phía Nam Ukraina, làm công việc chăm sóc động vật cho trang trại của bệnh viện và thậm chí cô cũng đã có bạn trai.

Mặc dù cô đã hồi phục rất nhiều hành vi của con người, nhưng khi ở trong một tâm trạng xấu, đôi lúc cô vẫn chạy vào rừng và tru lên theo cách riêng của mình để bày tỏ cảm xúc…/.

Đọc thêm