Cần Thơ: Ứng phó như thế nào khi bệnh nhi quá tải?

(PLO) - Thời gian gần đây dịch bệnh tay- chân- miệng (TCM) trên địa bàn Cần Thơ có dấu hiệu bùng phát. Số ca mắc bệnh TCM ngày một tăng khiến các bệnh viện (BV) trên địa bàn rơi vào tình trạng quá tải.
Không đủ giường nằm, các bé phải nằm ngoài hành lang gần thang máy
Không đủ giường nằm, các bé phải nằm ngoài hành lang gần thang máy

Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm 2018, BV có hơn 1.260 ca mắc bệnh TCM, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, tình hình bệnh này lại diễn biến phức tạp, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Nếu cùng thời điểm này năm 2017 chỉ có 533 ca thì năm 2018 lên đến 918 ca mắc bệnh. Mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 200 ca bệnh TCM, tập trung chủ yếu là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. 

Do số lượng bệnh nhi gia tăng nên số giường bệnh ở nhiều BV không đủ đáp ứng nên mới dẫn đến tình trạng bệnh nhi không đủ giường nằm, 1 giường nằm nhiều trẻ, thậm chí có trường hợp phải nằm hành lang. 

ThS.BS Ông Huy Thanh - Phó Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết, “Việc không đủ giường là chuyện lãnh đạo BV cũng đã tiên liệu được. Để giải quyết vấn đề này, phía BV cũng đã cố gắng sắp xếp, bố trí thêm giường, mở rộng Khoa Nhiễm để phục vụ kịp thời lượng bệnh nhân quá tải. BV chỉ có 500 giường bệnh.Trong đó Khoa Nhiễm chỉ có 80 giường.

Do tình hình cấp bách hiện tại, BV đang bố trí thêm 140 giường cho Khoa Nhiễm. Số bệnh nhân có lúc trên 1.000 người nên BV đã chủ động mua thêm giường, kê thêm giường để giải quyết tình trạng quá tải. Để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực, BV đã điều động nhân lực từ các khoa khác sang hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp “chữa cháy”.

BS Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Cần Thơ cho biết, BV có đủ thuốc để lo cho bệnh nhân nhưng lại thiếu điều dưỡng viên để chăm sóc các bé. Chúng tôi sẽ cho điều dưỡng viên cũ kèm cặp, hướng dẫn điều dưỡng viên mới. Vấn đề bác sĩ cũng vậy.  

Theo ông Dũng, bệnh TCM có 4 mức độ. Đa số bệnh nhân đến khám ngoại trú là ở mức độ 1 (bị nhẹ thì có thể cho về để theo dõi tại nhà). Từ mức độ 2A trở lên thì phải nhập viện theo dõi. Bệnh lý thường kéo dài trong 1 tuần, nếu diễn tiến nặng  sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tổn thương thần kinh, tim mạch. Nếu nhiễm vi rút thuộc nhóm Enterovirus (EV71) thì nguy hiểm hơn những nhóm khác. Tính tới thời điểm này thì hầu như những ca nặng của BV đều được điều trị khỏi và chưa có ca tử vong nào. 

Ông Dũng cho biết thêm, tác nhân gây bệnh là do những con vi rút đường ruột. Biểu hiện ban đầu mới khởi phát bệnh của em bé là sốt, nổi những hồng ban bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân và mông. Diễn biến bệnh phức tạp, trở nặng rất nhanh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ là bệnh có thể nặng hơn.

Khi phát hiện bé có biểu hiện giống như trên thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con mình đến các cơ sở y tế chuyên về nhi để thăm khám, xác định xem có phải là TCM hay không. Khi khẳng định bị bệnh TCM thì bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng bệnh để đưa ra lời khuyên có nên nhập viện hay không.

Đọc thêm