Cứu tinh của những trái tim 'lỗi nhịp' tại Cần Thơ

(PLO) - Kể từ khi chuyển giao đến nay, các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch – Lão học đã thực hiện thành công nhiều ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm - một bệnh lý về tim mạch nguy hiểm, có thể gây ngưng tim, đột tử.
Ekip thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Ekip thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.

“Hồi sinh” những nhịp đập 

Bà Lâm Mỹ L. 77 tuổi (ở quận Ninh Kiều) được chẩn đoán hội chứng suy nút xoang, bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim kèm tăng huyết áp vô căn. Vừa trấn an bệnh nhân, ThS.BS Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch – Lão học vừa dùng kim đâm tiếp cận mạch máu và hai sợi dây dẫn đã được luồn vào buồng tim. Gần một giờ sau, máy tạo nhịp vĩnh viễn đã nằm gọn trong ngực bệnh nhân. 

Tiếp đó là ông Nguyễn Văn B. (85 tuổi, quê ở thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) chờ được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Bệnh nhân Nguyễn Văn B. bị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim mạn và nhập viện trong tình trạng gồng người, ngưng tim từng lúc.

Sau 2 ngày can thiệp mạch vành, các BS mới tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. “Từ hôm đặt máy đến nay, sức khỏe tôi đã khá hẳn lên, không mệt như trước nữa. Tôi thật sự cảm ơn các BS đã giúp tôi thoát khỏi cảnh khổ sở vì bệnh tật”, ông B. chia sẻ. 

Ở phòng bên cạnh, ông Võ Văn S. (66 tuổi, ở Cờ Đỏ) cũng đang ngồi chờ đến lượt. Thời điểm nhập viện, ông Võ Văn S. được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm, hội chứng suy nút xoang, vô tâm thu trên 3 giây, nhịp tim 40 lần/phút.

Cách đây 1 năm, ông Sáu thấy trong người luôn mệt mỏi, sức khỏe yếu. Khi đi khám bệnh, BS cho biết tim ông có vấn đề vì nhịp tim đập quá chậm. Mặc dù được tư vấn cần phải đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành chấp nhận sống chung với bệnh.

“Có lần đang ngồi ở nhà, bỗng nhiên bị lên cơn mệt rồi bị choáng và ngất đi. Do chủ quan nên tôi chỉ nghỉ ngơi cho khỏe lại chứ không đi khám. Lần này bị ngất và mệt hơn nên cả nhà lo sợ chuyển thẳng vào viện”, ông S. kể lại. 

Như vậy, chỉ trong một buổi chiều, ê – kíp đã thực hiện liên tục 3 ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. 

Không ngừng tiếp nhận kỹ thuật mới

Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một thiết bị điện tử nhỏ, được cấy dưới da và kết nối với tim thông qua một hoặc nhiều dây dẫn điện bên trong mạch máu. Thủ thuật đặt máy tạo nhịp tim được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ và rất hiếm khi phải sử dụng thuốc an thần. Máy tạo nhịp xung điện tới cơ tim để tạo nhịp tim ở một tần số cố định cài đặt sẵn, thường là 60 lần/phút.

Tuổi thọ trung bình của một máy tạo nhịp tim khoảng 8-10 năm. Một số máy tạo nhịp đặc biệt giúp làm tái đồng bộ cơ tim, giúp ích cho bệnh nhân suy tim và cải thiện chức năng tim và làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là kỹ thuật rất khó, phức tạp đòi hỏi BS thực hiện phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu. 

Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn là một trong những phương pháp không dùng thuốc thành công nhất trong xử lý rối loạn nhịp tim. Thời gian thực hiện đã được rút ngắn. Chỉ còn 50 – 60 phút đối với ca 2 buồng và 40 – 50 phút đối với ca 1 buồng.

Mỗi máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng trị giá khoảng 46 triệu đồng, máy 2 buồng khoảng 85 triệu đồng và được BHYT thanh toán tùy theo mã thẻ, tối đa với máy 1 buồng là 42 triệu đồng và với máy 2 buồng là 62 triệu đồng. 

BSCKII Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Phụ trách BVĐK TP Cần Thơ cho biết, bên cạnh kỹ thuật này, Bệnh viện đã đủ năng lực thực hiện can thiệp mạch vành, phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), can thiệp mạch máu não, đồng thời đang trong quá trình chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch máu não (TACE), mổ tim hở,…

“Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển và tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đem đến cho người dân các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất”, ông Nghĩa nhấn mạnh. 

Đọc thêm