Hoại tử bàn tay vì đắp hạt đậu chữa rắn cắn

(PLO) - Cháu T.K.V. (10 tuổi, ở tỉnh Bắc Kạn) bị rắn hổ mang bành cắn, được gia đình dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết thương khiến bàn tay trái của bé bị hoại tử, lan rộng cả cánh tay.
Hoại tử bàn tay vì đắp hạt đậu chữa rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết khoa vừa tiếp nhận bệnh nhi T.K.V bị rắn độc cắn sau gần 1 ngày trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái (chỗ bị rắn cắn), hoại tử ngón tay thứ 4 và 5 bàn tay trái, hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái, lan ra vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái.

Theo lời kể của người nhà, cháu V. bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đang đi chăn bò trên đồi cùng với bố. Sau khi bị rắn cắn, gia đình đã không cho bệnh nhi đến BV ngay mà dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, trẻ xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến BV Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Khoa Nhi đã nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản, rối loạn đông máu và được chỉ định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Mặc dù được dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất nhưng do bệnh nhân đến viện muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng nên tuy có dấu hiệu phục hồi song liệu trình điều trị cho bệnh nhi sẽ còn kéo dài.

Thông thường, mùa này ở Khoa Nhi hay gặp bệnh nhân bị rắn hổ cắn với triệu chứng sưng nề, bầm tím kèm theo hoại tử chỗ rắn cắn. Ngoài ra, có một số trường hợp đến viện trong tình trạng suy hô hấp. Số ít bệnh nhân khác có sưng nề bầm tím nhưng không bị hoại tử và sưng nề bầm tím lan nhanh.

BS Nam nhấn mạnh sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà thường loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Sau khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn…. bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.