Kỳ thị - nguyên nhân gây ra thất bại trong điều trị HIV

(PLO) -Những năm gần đây, số lượng người nhiễm HIV/AIDS đã giảm song ở Việt Nam những người bị nhiễm HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Đây là một trong những nguy cơ khiến người bệnh gặp thất bại trong điều trị thuốc kháng HIV (ARV) bậc 1, bệnh nhân phải chuyển sang điều trị theo phác đồ bậc 2. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình điều trị của bệnh nhân, đồng thời làm gia tăng thêm về chi phí điều trị. 
Kỳ thị, xa lánh của cộng đồng là một trong những nguy cơ khiến người bệnh gặp thất bại trong điều trị thuốc kháng HIV. (ảnh minh họa)
Kỳ thị, xa lánh của cộng đồng là một trong những nguy cơ khiến người bệnh gặp thất bại trong điều trị thuốc kháng HIV. (ảnh minh họa)

Vẫn còn đó những sự kỳ thị 

Chị N.T.T (quê Lạng Sơn), vốn là cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng vì chút lơ là của bản thân, chị đã tự biến mình thành nô lệ của ma túy. Năm 16 tuổi, buồn chán, tuyệt vọng vì chia tay với người yêu, chị T dại dột dùng thử heroin. Sau lần thử đầu tiên, đúng là thứ thuốc đó giúp chị khỏe mạnh và sảng khoái, tự tin hơn, tinh thần làm việc cũng tăng lên. Vậy nhưng thực tế những tác dụng thần thánh đó chỉ là ảo giác ban đầu.

Dần dần, chị phải sử dụng heroin thường xuyên, lệ thuộc rồi trở thành nô lệ của thứ thuốc kia trong suốt 10 năm. Khi chị nhận ra tác hại của heroin, chị đã 7 lần bị bắt và đưa đi cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện. Cuối cùng, với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhóm tự lực cùng quyết tâm của bản thân, chị đã cai nghiện thành công.

Câu chuyện của chị T là câu chuyện chung của vô vàn người nghiện ma túy, HIV/AIDS mà chỉ chính những người trong cuộc như họ mới có thể thực sự thấu hiểu cùng nhau. Rất nhiều người trong số họ đang phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Đã có rất nhiều bằng chứng về việc nhiều người nhiễm HIV còn đang bị cô lập và chối bỏ ngay trong chính gia đình của mình, cũng như trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Việc phát hiện nhiễm HIV có thể dẫn đến bị mất việc làm, mất quyền sở hữu tài sản, mất quyền nuôi con, mất lòng tin,... Người nhiễm HIV còn bị bạo hành, bị từ chối cung cấp các dịch vụ y tế hay dịch vụ trợ giúp xã hội và gặp khó khăn trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý.

Đã có biết bao câu chuyện về những người nhiễm HIV chấp nhận phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những người cán bộ y tế mà họ vốn không hề quen biết. Bởi ở đó, họ sợ thông tin cá nhân không được cơ sở y tế ở địa phương mình bảo mật. Ở nơi khác, họ sẽ được sử dụng một tên gọi mới chứ chẳng phải tên thật của họ, cốt sao tránh khỏi lộ thông tin với bà con chòm xóm về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ phí mất những lợi ích về điều trị sớm. 

“Tới khi, dù xin được công việc may tại một xưởng may nhưng khi mọi người biết mình đã từng sử dụng ma túy, tất cả đều nhìn mình với ánh mắt khác lạ thường. Khi đó, mình nghĩ dù cố gắng bao nhiêu, mình có làm gì đi chăng nữa, bây giờ mình không nghiện rồi nhưng trong xã hội vẫn không có chỗ đứng cho người như mình”, câu nói của chị T trước khi chia tay làm người nghe mãi ám ảnh. 

Tỷ lệ điều trị HIV/AIDS thành công ở Việt Nam rất cao

Vốn dĩ, HIV/AIDS không có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời một con người, một gia đình. Hành trình của người từng sử dụng ma túy và đã cai nghiện thành công là một hành trình đầy nghiệt ngã, đau đớn, sự nỗ lực chống chọi của chính bản thân và gia đình của họ. Nếu có tình yêu thương và sự rộng lòng đón nhận cùng sự hỗ trợ của cộng đồng, không giấu giếm, không buông xuôi, bỏ mặc, người sử dụng ma túy có thể tìm được cho mình con đường để vượt lên trên “cái chết trắng”. 

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế rất nhiều người sống chung với HIV tại Việt Nam đã điều trị HIV phác đồ bậc 1 hơn 10 năm, vấn đề kháng với thuốc bậc 1 là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do tình trạng kháng thuốc và sự tuân thủ điều trị không tốt bị gián đoạn dẫn đến nhờn thuốc, đặc biệt đối với bệnh nhân AIDS vẫn còn sử dụng ma tuý rất khó tuân thủ điều trị. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà chúng ta đang phải ứng phó, qua đó, cần phải giám sát bệnh nhân tại cơ sở thật tốt, nhất là việc tuân thủ điều trị để hạn chế thất bại với phác đồ điều trị.

Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), tiền thuốc mà người bệnh nhiễm HIV phải chi trả trong một năm lên tới 3 triệu. Ngoài ra, người bệnh phải làm một số xét nghiệm theo dõi như đo tải lượng vi rút, xét nghiệm máu chi phí khoảng hơn một triệu/năm. Ở nước ta tỷ lệ điều trị HIV thành công rất cao, tỷ lệ thất bại điều trị chiếm dưới 5%. Thường thì với phác đồ bậc 1 chỉ tiêu tốn khoảng vài triệu đồng/năm, nhưng khi điều trị thất bại ở bậc 1 phải chuyển sang phác đồ bậc 2, người bệnh sẽ phải chi trả tới khoảng 20 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trong thời điểm các nguồn tài trợ bị cắt giảm sẽ vô cùng khó khăn cho các bệnh nhân bị kháng thuốc. 

Để phát hiện một bệnh nhân kháng thuốc, sẽ mất rất nhiều thời gian từ việc theo dõi bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc đến tư vấn, làm các xét nghiệm, trao đổi với chuyên gia khi có kết quả thất bại trong điều trị bậc 1 rồi mới quyết định thay thế phác đồ. Việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng bởi vậy cùng với những nỗ lực của quốc gia thì người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc để hạn chế kháng thuốc. 

Đọc thêm